Virus zika gây bệnh đầu nhỏ lây truyền bệnh bằng muỗi đốt và có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, một phần do số ca mắc thường không nhiều, một phần thiếu thông tin tuyên truyền, nên người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của virus và sự liên quan đến căn bệnh đầu nhỏ ở trẻ em.
Bài viết sau sẽ cung cấp đến bạn tất cả thông tin liên quan đến virus zika và bệnh zika, kèm theo phương án điều trị và những cách phòng tránh vô cùng hiệu quả!
Thông tin cơ bản về virus zika gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ em
Virus Zika thuộc dạng mRNA-virus, cùng chi virus flavivirus với virus gây bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da.
Lịch sử phát hiện virus Zika
- Năm 1947: lần đầu ghi nhận gây bệnh trên khỉ tại Uganda
- Năm 1952: lần đầu tiên phát bệnh trên người tại Uganda và Tanzania
- Từ năm 1960 – 1980: bùng lên một vài đợt dịch lẻ tẻ ở châu Phi, Mỹ, Á và Thái Bình Dương
- Năm 2007: dấu mốc đáng nhớ khi virus này đã gây nhiễm bệnh cho 75% cư dân đảo Yap (thuộc liên bang Micronesia)
- Năm 2013: virus zika tiếp tục gây lên một đợt bùng phát tại Polynesia (Pháp) cùng một vài địa điểm ở Thái Bình Dương.
- Tháng 3 năm 2014: Chile đã thông báo cho WHO về sự lây truyền tự động của virus zika trên Đảo Phục Sinh, nơi virus này tiếp tục hoành hành cho đến tháng 6 năm 2014.
- Tháng 3 năm 2015: đến lượt Brazil báo cáo về một đợt phát ban trên diện rộng, đã xác định nguyên nhân do virus zika
- Tháng 7 năm 2015: nhận thấy mối liên quan giữa virus này với Hội chứng Guillain-Barré
- Tháng 10 năm 2015, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác của châu Mỹ đã đưa ra những báo cáo nhắc đến sự hiện diện của virus.
- Mặc dù tính đến tháng 12 năm 2019, không có khu vực nào được CDC cảnh báo du lịch do dịch Zika bùng phát, nhưng thực tế vào đầu năm 2020 đã có hàng nghìn trường hợp ở một số khu vực của Brazil và hàng trăm trường hợp ở Colombia.
Quá trình lịch sử trên cho thấy, dường như vẫn chưa thể kìm hãm hay xóa bỏ nguy cơ gây bệnh của chủng virus này.
ống thổi máy đo nồng độ cồn | que thử ma túy nước bọt
Vật chủ lây truyền virus Zika
- Vật chủ trung gian: Virus zika lây sang người qua vết đốt của muỗi vằn thuộc loài Aedes. Muỗi Aedes cũng lây lan virus sốt xuất huyết và chikungunya.
- Vật chủ chính: con người. Một số nghiên cứu cũng cho thấy virus có thể được tìm thấy trong máu , tinh dịch , nước tiểu và nước bọt của người bị nhiễm bệnh cũng như trong chất lỏng trong mắt.
Sự lây truyền của virus Zika
Trong tuần đầu tiên nhiễm bệnh, virus Zika có trong máu. Muỗi có thể nhiễm virus khi chúng cắn người bị nhiễm bệnh; sau đó muỗi có thể truyền virus cho người khác qua vết đốt. Những khách du lịch đến từ các khu vực đang có sự lây truyền virus Zika có thể có virus zika trong máu khi họ trở về nhà và nếu vật trung gian là muỗi có mặt tại địa phương, có thể gây lây lan ở đó.
Muỗi lây truyền virus zika
Muỗi Aedes là vật trung gian có nguy cơ lây truyền arbovirus cao nhất ở châu Mỹ và có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nó là một loài muỗi trong nhà (sống trong và gần nhà) sinh sản trong bất kỳ vật chứa nhân tạo hoặc tự nhiên nào có chứa nước.
Vòng đời sinh trưởng của muỗi Aedes
Muỗi Aedes có vòng đời từ trứng đến trưởng thành trong 7-10 ngày; muỗi trưởng thành thường sống từ 4 đến 6 tuần.
Muỗi cái thường truyền bệnh vì nó cần máu người để phát triển trứng và cho quá trình trao đổi chất. Con đực không hút máu người.
Thời gian hoạt động của muỗi Aedes
Muỗi hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối nên đây là những khoảng thời gian có nguy cơ bị muỗi đốt cao nhất. Tuy nhiên, vẫn có khả năng muỗi đốt vào những thời điểm khác trong ngày.
Muỗi Aedes cái thường đốt và hút máu 3-4 lần trong ngày, nếu chưa đủ lượng thì chúng có thể tăng số lần chích trên người.
Môi trường đẻ trứng của muỗi Aedes
Muỗi này thường phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Muỗi Aedes thường hay đẻ trứng trong các thùng chứa có nước (thùng phuy, thùng và lốp xe); trong và xung quanh nhà, trường học và nơi làm việc.
Trứng của chúng có thể chịu được điều kiện môi trường khô hạn tới hơn một năm.
Vậy nên, để muỗi Aedes không thể đẻ trứng, cần thực hiện các biện pháp như: tránh lấy nước trong các vật chứa lộ thiên (chậu, chai hoặc các vật chứa khác có thể đọng nước); đậy nắp đầy đủ các bể, hồ chứa nước để muỗi tránh xa; tránh tích tụ rác, vứt rác vào túi ni lông đậy kín.
Phân loại muỗi Aedes
Phân loại của muỗi Aedes được tìm thấy 2 loài chính là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Tại Hoa Kỳ, A.aegypti bị giới hạn ở một khu vực kéo dài từ miền Nam sâu dọc biên giới Hoa Kỳ, Mexico đến nam California. Còn A.albopictus mang đặc tính thích nghi tốt hơn với khí hậu lạnh, hiện diện ở một phần lớn phía đông nam cho đến Trung Tây Thượng và ở nam California.
A.aegypti được coi là vật trung gian truyền bệnh dịch virus zika chính; A.albopictus được cho là vật trung gian truyền bệnh dịch thứ cấp do virus zika chủ yếu xuất hiện ở vùng nhiệt đới, nhưng liệu nó có thể xảy ra ở vùng khí hậu ôn hòa hơn hay không thì vẫn chưa rõ ràng.
Thông tin đầy đủ về bệnh zika
Cách thức truyền bệnh
Nhiễm Virus Zika do Bị muỗi đốt
Virus Zika lây truyền sang người chủ yếu qua vết đốt của muỗi thuộc loài Aedes bị nhiễm bệnh (A.Aegypti và A.Albopictus). Đây là những con muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và virus chikungunya.
Một con muỗi bị nhiễm virus khi nó cắn người bị bệnh trong khoảng thời gian mà virus có thể được tìm thấy trong máu của người đó, thường chỉ trong tuần đầu tiên của nhiễm trùng.
Sau đó, muỗi bị nhiễm bệnh có thể truyền virus sang người lành qua vết đốt.
Nhiễm Virus Zika lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai có thể truyền virus Zika cho thai nhi trong thời kỳ mang thai hoặc trong khoảng thời gian sắp sinh. Bệnh Zika là nguyên nhân gây ra tật đầu nhỏ và các dị tật não nghiêm trọng khác của thai nhi.
Bên cạnh đó, virus Zika đã được tìm thấy trong sữa mẹ. Các trường hợp nhiễm bệnh Zika có thể đã được xác định ở trẻ đang bú mẹ, nhưng việc lây truyền virus Zika qua sữa mẹ vẫn chưa được xác nhận.
Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa biết những ảnh hưởng lâu dài của virus Zika đối với trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh sau khi sinh. Bởi vì các bằng chứng hiện tại cho thấy lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ lớn hơn nguy cơ lây lan virus Zika qua sữa mẹ. Nên các bác sĩ vẫn khuyên mẹ cho con bú kể cả khi mẹ đã từng nhiễm hoặc đến vùng có dịch bệnh Zika.
Virus Zika lây qua quan hệ tình dục
Bệnh zika có thể lây truyền qua đường tình dục từ người nhiễm zika sang bạn tình của họ, thậm chí ngay cả khi người nhiễm bệnh không có triệu chứng vào thời điểm đó.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, virus zika có thể tồn tại trong tinh dịch lâu hơn so với các chất dịch cơ thể khác, bao gồm dịch âm đạo, nước tiểu và máu.
Virus Zika Qua truyền máu
Cho đến nay, chưa có bất kỳ trường hợp lây truyền qua đường truyền máu nào được xác nhận chính xác. Tuy nhiên thì đã có nhiều báo cáo về các trường hợp có thể lây truyền qua đường truyền máu ở Brazil.
Ví dụ, trong đợt bùng phát ở Polynesia thuộc Pháp, 2,8% người hiến máu có kết quả xét nghiệm dương tính với Zika và trong các đợt bùng phát trước đó, người ta đã tìm thấy virus này ở những người hiến máu.
Trong một số trường hợp, virus zika đã lây lan từ người này sang người khác thông qua các chế phẩm máu (con đường truyền máu). Để đảm bảo an toàn, các trung tâm hiến máu ở Hoa Kỳ và các vùng lãnh thổ lân cận được yêu cầu sàng lọc trước hiến máu để tìm virus zika. Vậy nên nếu bạn đã từng nhiễm bệnh zika hoặc đến nơi có dịch, hãy đợi ít nhất 4 tuần sau mới được tham gia hiến máu.
Bất kỳ ai sống hoặc đến khu vực có nguy cơ nhiễm Zika và chưa bị nhiễm virus Zika đều có thể bị muỗi đốt, sau đó trở thành người mang bệnh.
Tuy nhiên một tin đáng mừng là nếu bạn đã từng bị bệnh zika và khỏi bệnh thì nguy cơ mắc lại lần 2 là vô cùng thấp.
Triệu chứng của bệnh zika
Triệu chứng bệnh zika đều là những biểu hiện lâm sàng cơ bản và dễ lẫn với các bệnh khác, bao gồm:
- Sốt nhẹ
- Phát ban (chủ yếu là mẩn đỏ)
- Nhức đầu
- Đau khớp, đau cơ, đau đầu
- Suy nhược
- Viêm kết mạc mắt không có mủ
- Toàn thân có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ nhiều
Xảy ra khoảng từ 2 đến 7 ngày sau khi bị muỗi trung gian mang bệnh đốt. Theo số liệu thống kê thì trong số 4 người mắc bệnh thì chỉ có 1 người xuất hiện các triệu chứng kể trên.
Các triệu chứng thường kéo dài khoảng một tuần và hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh Zika có thể gây ra các biến chứng về não hoặc hệ thần kinh, chẳng hạn như hội chứng Guillain-Barre, ngay cả ở những người không bao giờ xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng.
chẩn đoán bệnh Zika
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bạn hoặc một thành viên trong gia đình có thể nhiễm bệnh Zika, đặc biệt nếu gần đây bạn đã đi du lịch đến một khu vực đang có dịch bệnh bùng phát.
Đặc biệt, nếu bạn đang mang thai và gần đây đã đi du lịch đến một khu vực xuất hiện virus Zika, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên xét nghiệm hay không, ngay cả khi bạn không có triệu chứng.
Phương pháp dùng để xác định nhiễm bệnh là xét nghiệm máu để tìm virus Zika và các virus khác do muỗi lây lan. Tuy nhiên, nếu sử dụng xét nghiệm bằng test nhanh thì vẫn có những hạn chế nhất định, như hiện tượng âm tính giả và dương tính giả dẫn đến kết luận sai.
Nhiễm virus zika được nghi ngờ dựa trên các triệu chứng và địa điểm cùng ngày đi du lịch. Tuy nhiên, các biểu hiện lâm sàng của nhiễm bệnh Zika giống với biểu hiện của nhiều bệnh nhiệt đới gây sốt (ví dụ: sốt rét, bệnh leptospirosis, các bệnh nhiễm trùng arbovirus khác) và phân bố địa lý của nó giống với các virus arbovirus khác. Vậy nên cần thêm các xét nghiệm sau để khẳng định:
- RT-PCR để phát hiện RNA của virus Zika trong huyết thanh hoặc nước tiểu của bệnh nhân: chỉ trong khoảng từ 1-2 tuần sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng do sự suy giảm nhanh chóng của virus trong các chất dịch cơ thể này.
- Xét nghiệm trung hòa giảm mảng bám [PRNT] tìm kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân: rất phức tạp do có phản ứng chéo đáng kể với các flavivirus khác có liên quan, tính kháng nguyên và cấu trúc tương tự như virus gây bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và virus Tây sông Nile.
- Xét nghiệm huyết thanh học: xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzym [ELISA] đối với IgM
Việc phát hiện virus Zika còn bị thách thức bởi thực tế là khoảng 80% những người bị nhiễm trùng cấp tính không biểu hiện các triệu chứng.
Hướng điều trị và xử lý khi mắc Virus Zika
Nếu bạn cảm thấy không khỏe sau khi trở về từ đất nước có bệnh sốt rét, cũng như có nguy cơ nhiễm bệnh, bạn nên khám bác sĩ và làm các xét nghiệm cần thiết để giúp loại trừ chẩn đoán bệnh sốt rét.
Trên thực tế, không có phương pháp điều trị cụ thể nào đối với các triệu chứng do virus Zika. Tạm thời thì:
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước cam và bù điện giải bằng oresol
- Dùng paracetamol có thể giúp giảm các triệu chứng, đỡ gây mệt mỏi cho người bệnh.
- Không nên dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm chứa steroid khác (NSAID) cho đến khi loại trừ bệnh sốt xuất huyết, để giảm nguy cơ xuất huyết dưới da và xuất huyết nội tạng.
- Không thử nghiệm các loại thuốc thảo mộc hoặc sản phẩm từ tự nhiên để điều trị bệnh nếu chưa được bác sĩ kê đơn
Trong tương lai gần, các nhà khoa học cùng đội ngũ y bác sĩ đang nghiên cứu một loại vắc-xin cho virus Zika. Còn ở hiện tại, nếu không muốn mắc zika thì ưu tiên hàng đầu là tránh bị muỗi đốt và giảm khả năng sinh sản của chúng
Di chứng để lại sau khi mắc Virus Zika
Nghiên cứu
Mặc dù được phát hiện vào năm 1947, nhưng có rất ít nghiên cứu được tiến hành về loại virus này nên chúng ít được biết đến, chỉ gây bệnh lẻ tẻ và tương đối nhẹ ở châu Phi và Nam Á. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ ở châu Mỹ, kèm theo gia tăng lớn về số ca mắc bệnh và mối liên hệ với tình trạng bệnh nặng hơn, nghiên cứu về virus zika đã trở nên cấp thiết và quan trọng hơn nhiều.
Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Zika là tình trạng khẩn cấp về
sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Thực tế
Ở người lớn, nhiễm virus zika có thể gây ra các biến chứng về não hoặc hệ thần kinh, chẳng hạn như hội chứng Guillain-Barre, ngay cả ở những người không bao giờ xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng.
“Hội chứng Guillain-Barré là tên gọi của một rối loạn thần kinh mức độ nặng, trong đó các tế bào thần kinh bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch của chính cơ thể, gây ra yếu cơ và đôi khi đi kèm cả tê liệt. Nó hiếm gặp, nhưng thường xảy ra sau một bệnh do virus đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa, với tỷ lệ mắc là từ 1-2/100.000 người mỗi năm ở Hoa Kỳ.
Rất hiếm gặp, hội chứng Guillain-Barré (GBS) phát triển sau khi nhiễm virus zika. GBS là một bệnh viêm đa dây thần kinh cấp tính, thường tiến triển nhanh chóng nhưng tự giới hạn được cho là do phản ứng tự miễn dịch gây ra. GBS cũng đã phát triển sau bệnh sốt xuất huyết và bệnh chikungunya.”
Rối loạn đó có thể gây tê liệt một phần hoặc hoàn toàn, thường bắt đầu ở chân trong tình trạng tạm thời. Sự gia tăng biểu hiện đó đã xuất hiện ở các khu vực như Polynesia thuộc Pháp và Brazil, nơi đã xảy ra dịch Zika. Các nghiên cứu ngày càng cho thấy mối liên hệ giữa hội chứng này và Zika.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện mối liên hệ giữa Zika và một chứng rối loạn tự miễn dịch được gọi là viêm não tủy lan tỏa cấp tính (ADEM), theo nghiên cứu được trình bày tại hội nghị của Học viện Thần kinh Hoa Kỳ. Các hệ thống miễn dịch của một người với các cuộc tấn công rối loạn lớp phủ myelin quanh sợi thần kinh trong não và tủy sống, tương tự như bệnh đa xơ cứng.
Cách phòng tránh bệnh zika
Ngăn ngừa muỗi đốt:
Tránh các nguy cơ bị muỗi đốt là cách tốt nhất để ngăn ngừa Zika.
- Sử dụng thuốc chống côn trùng: Khi được sử dụng theo chỉ dẫn, thuốc chống côn trùng đã đăng ký EPA được chứng minh là an toàn và hiệu quả, áp dụng được trên cả đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Mặc quần áo dài tay và tối màu khi làm việc gần các nơi nhiều muỗi
- Nằm màn khi ngủ
- Đốt hương muỗi hoặc dùng thiết bị bắt muỗi vào khoảng thời gian sáng sớm hoặc chiều tối khi muỗi hoạt động
Ngăn chặn muỗi đẻ trứng và phát triển :
- Làm sạch môi trường sống quanh nhà: lật úp vật dụng chứa nước đọng, phát quang bụi rậm, xử lý rác thải tại khu riêng
- Đậy kín hoặc che chắn các bể, thùng, téc chứa nước sinh hoạt
- Phun thuốc muỗi định kỳ
Lên kế hoạch cho chuyến du lịch :
Nếu bạn có ý định đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài thì phải kiểm tra địa điểm trước khi đến.
Nếu chúng nằm trong danh sách vùng bị nhiễm hoặc khuyến cáo bệnh zika của WHO, bạn nên xem xét đổi địa điểm hoặc đợi dịch qua đi.
Hơn nữa, bạn phải lên kế hoạch sau chuyến đi du lịch, nếu có khả năng nhiễm bệnh thì sẽ khám và điều trị ra sao.
Áp dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục :
Quan hệ tình dục an toàn giúp bạn tránh mắc các bệnh lây qua đường tình dục nói chung và bệnh zika nói riêng. Mặt khác, virus Zika có thể tồn tại trong tinh dịch lâu hơn so với các chất dịch cơ thể khác, bao gồm dịch âm đạo, nước tiểu và máu.
- Không quan hệ tình dục: có thể loại bỏ nguy cơ nhiễm Zika khi quan hệ tình dục.
- Còn nếu phát sinh quan hệ, bắt buộc dùng bao cao su: giảm bớt phần nào nguy cơ lây nhiễm
- Để có hiệu quả, nên sử dụng bao cao su từ đầu đến cuối, mọi lần trong khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, miệng và dùng chung đồ chơi tình dục.
- Màng chắn miệng (cao su hoặc tấm polyurethane): sử dụng cho một số kiểu quan hệ tình dục bằng miệng.
Biện pháp phòng vệ / cách ly với người nhiễm bệnh Zika – hãy bảo vệ những người khác
Virus zika gây bệnh đầu nhỏ có thể tìm thấy trong máu người mắc ở tuần đầu tiên có bệnh, lúc này, muỗi đốt người bệnh sẽ trở thành vật chủ trung gian mang theo virus. Sau đó, con muỗi bị nhiễm bệnh có thể truyền virus sang người khác. Vậy nên, bản thân người đã nhiễm zika phải tự phòng tránh các nguy cơ bị muỗi đốt bằng cách:
- Ở trong phòng có máy lạnh hoặc buông màn cả ngày: Muỗi Aedes mang virus zika hoạt động mạnh nhất từ bình minh đến hoàng hôn, nhưng chúng cũng có thể đốt vào ban đêm. Cân nhắc ngủ dưới màn chống muỗi, đặc biệt nếu bạn đang ở ngoài trời.
- Mặc quần áo dài tay giúp chống muỗi: Khi bạn đi vào khu vực có muỗi, hãy mặc quần áo dài tay, chất liệu vải dày và tối màu.
- Sử dụng thuốc chống côn trùng: Bạn có thể thoa permethrin lên quần áo, giày dép, dụng cụ cắm trại và lưới trải giường. Bạn cũng có thể mua quần áo tẩm sẵn permethrin trong đó.
- Bôi thuốc chống muỗi: Đối với làn da của bạn, hãy sử dụng thuốc chống muỗi có chứa DEET, picaridin hoặc một trong những hoạt chất khác an toàn với sức khỏe con người và được biết là có hiệu quả chống muỗi.
virus zika đối với phụ nữ mang thai
Phụ nữ bị nhiễm virus zika trong thời kỳ mang thai có nguy cơ sảy thai cao hơn, sinh non hoặc thai chết lưu. Nhiễm virus zika trong thời gian thai kỳ dễ khiến con sinh ra bị mắc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, bao gồm:
- Kích thước đầu và não nhỏ hơn nhiều so với bình thường, với hộp sọ bị sụp một phần
- Tổn thương não và giảm mô não
- Tổn thương mắt
- Các vấn đề về khớp, bao gồm cả hạn chế chuyển động
- Giảm vận động của cơ thể do co cơ quá nhiều sau khi sinh
Cách phát hiện Virus Zika gây bệnh đầu nhỏ trong quá trình mang thai
Nếu bạn hiện đang gặp các triệu chứng nhiễm bệnh Zika, hãy liên hệ với bác sĩ đa khoa, người sẽ quyết định xem có cần thiết phải tiến hành xét nghiệm hay không. Các y bác sĩ sẽ xem xét về nguy cơ với bạn và có thể sắp xếp siêu âm thai để theo dõi sự phát triển thai nhi.
Nếu có bất kỳ vấn đề nào, bạn sẽ được giới thiệu đến một dịch vụ y học thai nhi chuyên khoa để theo dõi và thực hiện các sàng lọc trước sinh nâng cao. Bạn cũng nên ghi nhớ là các xét nghiệm sàng lọc Zika không có sẵn cho những người không có triệu chứng.
Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ truyền cho thai nhi có thể dao động từ 1% đến 13% nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh zika trong ba tháng đầu thai kỳ. Không có tuổi thai cụ thể mà tại đó thai nhi có biểu hiện bất thường liên quan đến Zika. Đôi khi những dấu hiệu của nhiễm trùng không xuất hiện cho đến cuối trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Không phải tất cả các bất thường của thai nhi liên quan đến vi rút Zika đều có thể được phát hiện khi khám siêu âm.
Những báo cáo liên quan đến bệnh zika ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai
Loại virus này đã gây ra sự hoảng loạn ở Brazil kể từ khi nó xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2015. Hơn 2.100 trẻ sơ sinh ở Brazil đã được sinh ra với tật đầu nhỏ hoặc các dị tật khác có liên quan đến Zika. Vào thời điểm đó, Brazil và một số quốc gia khác thậm chí phải khuyến cáo phụ nữ nên hoãn việc mang thai.
Kể từ tháng 7 năm 2018, CDC đã xác nhận nhiễm Zika ở hơn 2.474 phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ và hơn 4.900 phụ nữ mang thai ở các vùng lãnh thổ Hoa Kỳ. 116 trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ đã được sinh ra với các dị tật bẩm sinh liên quan đến Zika, và 9 ca tử vong khi mang thai có liên quan đến virus này. Vào tháng 5 năm 2016, cơ quan này đã thiết lập các cơ quan đăng ký ở Mỹ, bao gồm cả Puerto Rico, để theo dõi những phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika.
Bên cạnh đó, cơ quan này khuyến cáo phụ nữ và nam giới đã sống hoặc đi du lịch trong các khu vực bị nhiễm Zika và có bạn tình mang thai nên sử dụng bao cao su hoặc kiêng quan hệ tình dục trong thời kỳ mang thai.
Bổ sung thêm, CDC cho biết tất cả phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ phải được đánh giá về khả năng phơi nhiễm Zika trong mỗi lần khám sức khỏe trước khi sinh, và tất cả phụ nữ mang thai có khả năng phơi nhiễm nên được xét nghiệm Zika.
Một số lưu ý dành riêng cho phụ nữ đã và đang có ý định mang thai
- Nếu bạn đang có dự định mang thai, hãy thảo luận về kế hoạch du lịch của bạn với y bác sĩ hoặc bác sĩ sản đang theo dõi thai kỳ của bạn, không nên để bị muỗi đốt
- Phụ nữ nên tránh mang thai khi đi du lịch ở quốc gia hoặc khu vực có nguy cơ lây truyền virus zika. Hoãn thời gian thụ thai tối thiểu 2 tháng nếu chỉ một mình bạn đi, tối thiểu 3 tháng nếu cả vợ cả chồng cùng đi du lịch
- Nếu bạn đã gặp các triệu chứng Zika: trong vòng 2 tuần sau khi trở về nhà, bạn nên đợi 2 tháng sau khi hồi phục hoàn toàn trước khi cố gắng mang thai.
- Nếu bạn tình nam của bạn đã đến khu vực có nguy cơ lây truyền virus zika: bạn nên sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả để tránh thai. Kết hợp sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng để giảm nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. Các biện pháp này nên được thực hiện trong thời gian đi du lịch và trong 3 tháng.
Bệnh đầu nhỏ ở trẻ em – những điều cần biết
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ, bao gồm nhiễm trùng khi mang thai, các vấn đề di truyền và tiếp xúc với các chất độc hại trong thai kỳ, CDC cho biết nghiên cứu đã cung cấp đủ bằng chứng cho thấy Zika nằm trong số những nguyên nhân đó. Nghiên cứu đã gợi ý rằng nhiễm trùng trong giai đoạn đầu của thai kỳ, khi các cơ quan của em bé vẫn đang hình thành, dễ dẫn đến những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng hay sự phát triển bình thường của trẻ.
Thậm chí, một số nghiên cứu đang chỉ ra rằng thai nhi có thể bị tổn hại do nhiễm trùng sau này trong thai kỳ và bằng chứng cho thấy tật đầu nhỏ không phải là dị tật bẩm sinh duy nhất liên quan đến Zika. Trong một báo cáo khác, CDC mô tả năm loại dị tật bẩm sinh, bao gồm tật đầu nhỏ nghiêm trọng, chỉ có ở Zika hoặc hiếm khi xảy ra với các bệnh nhiễm trùng khác ở phụ nữ mang thai, gồm có:
- Mô não suy giảm với cặn canxi cho thấy não bị tổn thương
- Tổn thương phía sau của mắt
- Phạm vi chuyển động hạn chế ở các khớp, chẳng hạn như bàn chân khoèo
- Trương lực cơ cao, hạn chế cử động
- Những ảnh hưởng đó ở trẻ sơ sinh được gọi là hội chứng Zika bẩm sinh.
Nhiễm bệnh Zika trong thai kỳ rõ ràng có liên quan đến tật đầu nhỏ. Tình trạng này có thể rõ ràng khi mới sinh hoặc phát triển trong vài năm đầu đời của trẻ. Chứng đầu nhỏ thường dẫn đến chậm phát triển và thiểu năng trí tuệ. Nó cũng có liên quan đến co giật, các vấn đề về chuyển động và thăng bằng, mất thính giác, các vấn đề về thị lực và khó nuốt. Thậm chí tính mạng của trẻ cũng bị đe dọa. Trường hợp nhẹ thì những đứa trẻ sinh ra cũng phải chăm sóc hoặc can thiệp bằng y học suốt đời.
Vậy nên, các bác sĩ đều được nhắc nhở siêu âm tầm soát và theo dõi chặt chẽ, tiến hành chẩn đoán về hệ thần kinh cho những đứa trẻ ra đời bởi bà mẹ bị nhiễm bệnh zika, kể cả trong trường hợp “nhìn đứa trẻ có vẻ hoàn toàn bình thường”.
THAY LỜI KẾT
Vậy là những thông tin cơ bản xung quanh virus zika – lịch sử phát hiện và con đường truyền bệnh; bệnh zika – triệu chứng, hướng điều trị và ảnh hưởng; bệnh đầu nhỏ ở trẻ em – có mối liên quan đến mẹ mang thai nhiễm virus zika đều đã được trình bày đầy đủ trong bài viết trên.
Hy vọng kiến thức này sẽ giúp bạn nhận thức đầy đủ và hiểu rõ hơn mức độ nguy hại của virus zika, từ đó chủ động tìm kiếm những biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả cho bản thân và cả gia đình.