Chấn thương dây chằng khớp gối
Nguyên nhân, Triệu chứng, Điều trị và Phục hồi chức năng
Chấn thương dây chằng nói chung và đặc biệt là chấn thương dây chằng khớp gối rất thường gặp ở những người phải vận động nhiều các vùng khớp, những người thường xuyên chơi các môn thể thao đòi hỏi các dây chằng bị co kéo nhiều lần như bóng đá, bóng rổ, bóng chày, trượt tuyết,…hay những người bị một cú va chạm trực tiếp tác động mạnh vào vùng khớp gối đều có nguy cơ làm tổn thương dây chằng khớp gối, loại tổn thương thường gặp nhất là chấn thương dây chằng chéo trước.
Chấn thương dây chằng khớp gối gặp ở nữ nhiều hơn nam với tỷ lệ nữ/nam khoảng 3/1 và tổn thương này thường gặp ở người trẻ.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách tổn thương này có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến chức năng vận động của bạn và nguy cơ kết thúc sự nghiệp thể thao đối với một số vận động viên là vô cùng nặng nề.
Chấn thương dây chằng khớp gối là gì
Khớp gối có những dây chằng nào
Khớp gối là một trong những khớp cần vận động nhiều nhất trong cơ thể, khớp gối được gia cố vững chắc hơn bởi hệ thống các cơ và các dây chằng nhằm tránh trật khớp gối khi vận động. Đầu gối có 4 dây chằng chính:
- Dây chằng chéo trước (ACL)
- Dây chằng chéo sau (PCL)
- Dây chằng chéo giữa (dây chằng bên mác) (MCL)
- Dây chằng bên cạnh (LCL)
Như thế nào là chấn thương dây chằng khớp gối
Dây chằng là các dải mô liên kết có tính đàn hồi, khi một sự vận động mạnh, đột ngột hay một cú va chạm trực tiếp khiến dây chằng co kéo quá mức, xoắn mạnh làm rách, đứt dây chằng. Ví dụ một pha tranh chấp bóng, một va chạm do tai nạn giao thông hay tai nạn lao động ngã tiếp đất bằng đầu gối, đơn giản là dừng lại đột ngột khi đang chạy,… đều có nguy cơ chấn thương dây chằng khớp gối.
ống thổi máy đo nồng độ cồn | test ma túy 4 chân
Dây chằng nào ở khớp gối hay bị tổn thương nhất
Đầu gối có 4 dây chằng chính, tất cả đều có nguy cơ bị chấn thương nhưng loại tổn thương được ghi nhận nhiều hơn hết là Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL). Dây chằng này nằm ở trung tâm của đầu gối, điều khiển chuyển động xoay và chuyển động xương chày về phía trước (xương chày là một trong hai xương của cẳng chân). Những môn thể thao có nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) cao hơn là trượt tuyết, bóng rổ và bóng đá.
Dây chằng chéo sau cũng là một chấn thương thường gặp, nhưng loại chấn thương này thường xảy ra do có va chạm trực tiếp, đột ngột như trong tai nạn giao thông hoặc một pha tranh chấp bóng.
Nguyên nhân chấn thương dây chằng khớp gối
Nguyên nhân dẫn đến chấn thương dây chằng thường gặp
Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất, chiếm 70% các trường hợp là các nguyên nhân không tiếp xúc do thực hiện sai động tác, tạo ra các lực lớn giằng xé dây chằng bên trong khớp gối gây đứt, rách:
- Vặn đầu gối của bạn, đặc biệt là khi chân của bạn ở trên mặt đất (bàn chân được cố định nhưng khối gối lại vận động ngược lại) – ví dụ: bạn tiếp đất từ một bước nhảy và xoay người theo hướng ngược lại.
- Nhanh chóng thay đổi hướng khi chạy hoặc đi bộ một cách đột ngột.
- Giảm tốc độ hoặc dừng đột ngột khi đang chạy.
- Mở rộng khớp gối quá mức giới hạn đối với cơ thể bạn.
Gặp ít hơn và chiếm 30% các trường hợp còn lại là các nguyên nhân tiếp xúc trực tiếp, tác nhân gây chấn thương tác động một lực có độ mạnh nhất định lên vị trí dây chằng tại khớp gối của bạn, lực tác động đủ mạnh khiến dây chằng bị chấn thương:
- Nếu bạn đang chơi các môn thể thao tiếp xúc và bị một cú đánh trực tiếp vào đầu gối do va chạm với người chơi khác.
- Khuỵu gối khi đầu gối đang ở tư thế gập (tư thế dây chằng khớp gối đang ở trạng thái kéo căng tối đa).
- Chống đầu gối vào bảng điều khiển trong một vụ tai nạn ô tô.
Một số nguyên nhân đặc biệt khác mà không phải do chấn thương cũng gây tổn thương cho dây chằng khớp gối như bệnh lý thoái hóa khớp gối, vôi hóa dây chằng hay các bệnh lý gây viêm dây chằng đều có thể làm suy yếu và giảm khả năng bảo vệ khớp gối của dây chằng.
Các yếu tố gia tăng tỷ lệ thường gặp của chấn thương dây chằng khớp gối
- Nữ giới: được ghi nhận có tỷ lệ bị chấn thương dây chằng khớp gối nhiều hơn nam giới. Điều này được giải thích là do sự khác biệt về cấu tạo cơ thể, sức mạnh cơ bắp yếu hơn nam giới, dây chằng lỏng lẻo hơn và ảnh hưởng của hệ nội tiết tố. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chấn thương dây chằng khớp gối ở nữ/nam khoảng 3/1.
- Người thường xuyên chơi các môn thể thao nhất định như bóng đá, bóng rổ, bóng chày, trượt tuyết.
- Người tập thể thao không được huấn luyện thực hiện các động tác chính xác, sử dụng các thao tác chuyển động bị lỗi.
- Người có sẵn các bệnh lý liên quan đến khớp gối trước đó như rãnh liên xương đùi hẹp, thoái hóa khớp gối, có tiền sử viêm khớp, cứng khớp, người bị teo cơ vùng đùi và cẳng chân làm giảm độ linh hoạt khi cử động khớp gối,…
- Sử dụng các dụng cụ, đồ tập không vừa vặn hoặc không còn đảm bảo chất lượng: giày thể thao quá chật, dây buộc đồ trượt tuyết không còn chắc chắn hoặc buộc sai cách, chất lượng bóng không tốt (quá cứng, không có tính đàn hồi cao),…
- Các yếu tố bên ngoài làm tăng nguy cơ gây chấn thương như điều kiện môi trường, thời tiết xấu khi tham gia hoạt động, bề mặt sân chơi trơn trượt giảm hệ số ma sát khi chuyển động, khi ngã bề mặt tiếp đất gồ ghề, tác nhân tiếp xúc sắc bén dễ gây dứt day chằng hơn bình thường
Triệu chứng chấn thương dây chằng khớp gối
Các dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương dây chằng khớp gối thường bao gồm:
- Có tiếng “đứt dây” hoặc cảm giác “bốp” ở vùng đầu gối.
- Đầu gối đau dữ dội và không thể tiếp tục hoạt động.
- Biểu hiện đầu gối sưng tấy không lâu ngay sau khi xảy ra chấn thương
- Mất hoàn toàn phạm vi chuyển động hoặc chỉ di động trong phạm vi rất nhỏ khó quan sát rõ được.
- Cảm giác khớp lỏng lẻo, không còn được giữ cố định.
- Khớp gối không còn chịu được sức nặng của cơ thể phía trên khiến bạn không thể đi lại hoặc không thể đứng thẳng được.
- Các cấu trúc bên trong đầu gối có thể bị bộc lộ ra ngoài nếu vết thương hở, hay gặp trong tại nạn va chạm mạnh, nhìn thấy đầu dây chằng bị đứt hoặc các xương ở cẳng chân và đùi bị di lệch.
Các triệu chứng có thể không xuất hiện đầy đủ và đồng thời, tùy vào loại chấn thương, mức độ của chấn thương mà các triệu chứng xuất hiện khác nhau, có thể rất nặng chỉ đau nhẹ và hạn chế di chuyển, nhưng cũng có thể rất nặng, đau và sưng tấy nhiều, thậm chí hoàn toàn không thể vận động được khớp gối.
Nhận biết sớm khi có chấn thương dây chằng khớp gối giúp bạn có cách xử trí phù hợp và kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng và bảo đảm khả năng vận động bình thường của khớp về sau, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chấn thương dây chằng khớp gối dễ nhầm lẫn với những tổn thương nào khác ở vùng khớp gối
Chấn thương dây chằng khớp gối dễ phát hiện do gây cảm giác đau khi vận động khớp gối, nhưng đôi khi có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác của vùng khớp gối, đặc biệt đối với những người đang mắc hoặc từng mắc các bệnh lý khớp gối càng khó để phân biệt. Điều này có thể khiến bạn chậm trễ đến các cơ sở y tế hoặc tự điều trị sai cách tại nhà, hậu quả có thể khiến tổn thương càng nặng nề hơn.
Vậy những tổn thương nào dễ nhầm lần với tổn thương của dây chằng khớp gối?
- Trật khớp gối
- Tổn thương sụn chêm (một sụn nằm ở khớp gối).
- Tổn thương các cơ đi qua vùng khớp gối.
- Chấn thương góc bên đầu gố
- Gãy xương đùi, xương chày hoặc xương má
- Vỡ mâm xương chày (đầu trên cùng phí đầu gối của xương chày – một trong hai xương của cẳng chân).
Để xác định chính xác có tổn thương của dây chằng khớp gối hay không, bạn cần đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh để được bác sĩ khám và tư vấn chính xác cách để chẩn đoán xác định bệnh. Có nhiều phương pháp để chẩn đoán bệnh cũng sẽ được cung cấp thông tin trong bài viết này, cụ thể ở mục 6 của bài viết.
sơ cấp cứu ban đầu đối với chấn thương dây chằng khớp gối
Hầu hết các chấn thương dây chằng khớp gối gặp phải do các tác động gián tiếp do thực hiện sai động tác (đã được phân tích ở mục 2 các nguyên nhân gây chấn thương dây chằng khướp gối). Vì vậy, khi gặp phải chấn thương bạn thường đang ở trên sân tập, ngoài đường hoặc bất kỳ nơi nào, khi đó bạn cần được sơ cứu ban đầu trước khi đến được cơ sở y tế.
Sơ cứu ban đầu với mục đích giảm thiểu tổn thương và di chứng để lại sau này cho khớp gối của bạn. Khi chấn thương dây chằng – một trong các thành phần giữ khớp gối bị suy yếu và giảm chức năng, mục tiêu của sơ cứu là cố định khớp gối, hạn chế đến mức tối đa sự vận động vùng khớp gối trong khoảng thời gian từ khi xảy ra chấn thương đến khi đến được cơ sở y tế.
Sơ cứu chấn thương dây chằng khớp gối phải đúng cách, nếu sơ cứu sai cách có thể làm gia tăng tổn thương, hãy cùng tham khảo một số cách sơ cứu sau đây khi bị chấn thương dây chằng khớp gối:
- Bước 1:Đặt người bị chấn thương nằm xuống và cố gắng không làm ảnh hưởng đến phần bị đau. Để bệnh nhân ở tư thế thoải mái nhất.
- Bước 2: Chườm mát hoặc bọc chườm đá vào vùng bị thương trong 20 – 30 phút để giảm đau và sưng nề.
- Bước 3: Sử dụng 2 thanh gỗ, tre hoặc miếng bìa cứng làm nẹp. Đặt nẹp qua hai khớp trên và dưới của vùng bị tổn thương rồi dùng băng vải, băng thun hoặc cà vạt để cố định nẹp với khu vực bị thương.
- Bước 4: Đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý:
- Không nắn hoặc xoa bóp vết thương vì có thể làm tổn thương nghiêm trọng hơn nếu làm không đúng cách.
- Không cố gắng chườm nóng hoặc dùng rượu xoa bóp vì không những không làm giảm triệu chứng mà còn gây sưng đau nhiều hơn
Chẩn đoán chấn thương dây chằng khớp gối
Khi đến cơ sở y tế, bạn sẽ được các bác sĩ thăm khám và hướng dẫn thực hiện một số phương pháp để chẩn đoán chính xác có phải chấn thương dây chằng khớp gối không, chấn thương ở mức độ nào, có các tổn thương nào khác kèm theo hay không từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất đối với bạn.
Một số phương pháp có thể được sử dụng để chẩn đoán chính xác chấn thương dây chằng khớp gối như:
- Siêu âm khớp gối: là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng các sóng siêu âm để tái tạo hình ảnh các thành phần của khớp gối. Đây là một phương pháp hiện đại và an toàn giúp chẩn đoán bệnh lý khớp gối. Ưu điểm vượt trội của siêu âm khớp gối là đánh giá tốt các bất thường ở phần mềm, cho hình ảnh động, tương tác trực tiếp với người bệnh mà lại an toàn, dễ thực hiện và chi phí thấp.
- Chụp X-Q khớp gối: là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng chùm tia X, đây là một xét nghiệm cơ bản, hình ảnh trên phim X-Q không phát hiện được tổn thương dây chằng nhưng cho phép phát hiện các tổn thương xương kèm theo nếu có. Đây là một kỹ thuật đơn giản và hầu như cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện với chi phí thấp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng chùm tia X chiếu thẳng vào vùng khớp gối bị tổn thương và dựa vào sự khác biệt về tỷ trọng của các thành phần tại khớp gối, dựng thành hình ảnh các mô bên trong khớp gối như xương và các cơ quan khác ở vùng khớp gối. Trên phim chụp cắt lớp vi tính (CT), đánh giá tổn thương xương là rõ ràng nhất, vì vậy nó được sử dụng để phát hiện các tổn thương của xương kèm theo nếu có ngoài tổn thương dây chằng. Tuy nhiên, xét nghiệm này đòi hỏi kỹ thuật cao và đắt tiền hơn phim chụp chụp X-Q.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng vô tuyến và từ trường để dựng thành hình ảnh chi tiết về các cơ quan. Trên phim chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể đánh giá chính xác hầu như tất cả tổn thương của phần mềm như cơ, dây chằng, đĩa khớp, sụn,… Chính vì vậy, phim chụp cộng hưởng từ là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán chấn thương dây chằng khớp gối. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật hiện đại và chi phí để thực hiện cũng lớn, không phải cơ sở y tế nào cũng sẵn thiết bị để thực hiện.
Điều trị chấn thương dây chằng khớp gối
Sẽ có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi của bạn, mức độ chấn thương, tình trạng cơ thể hiện tại và nhu cầu cá nhân của bạn. Một vận động viên trẻ tham gia thi đấu các môn thể thao nhanh nhẹn rất có thể sẽ phải phẫu thuật để trở lại thể thao một cách an toàn. Những người ít hoạt động hơn, thường là những người lớn tuổi, có thể quay trở lại lối sống yên tĩnh hơn mà không cần phẫu thuật, thời gian hồi phục có thể lâu hơn nhưng giảm thiểu được nhiều nguy cơ do cuộc pahaaux thuật có thể mang lại.
Có nhiều phương pháp điều trị nhưng cơ bản được chia thành hai nhóm chính là các phương pháp điều trị không cần can thiệp phẫu thuật và điều trị can thiệp phẫu thuật:
Các phương pháp điều trị không cần can thiệp phẫu thuật
Phương pháp điều trị không cần can thiệp phẫu thuật sẽ không thể làm lành lại dây chằng. Mặc dù vậy, phương pháp này phù hợp với những chấn thương mức độ nhẹ, với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có mức độ hoạt động rất thấp. Nếu sự ổn định tổng thể của đầu gối vẫn còn nguyên vẹn, bác sĩ có thể đề nghị các lựa chọn đơn giản, không phẫu thuật.
- Sử dụng thuốc: Căn cứ vào tình trạng của bạn, các bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc giảm đau và chống viêm giúp bạn kiểm soát cơn đau, giảm viêm, giảm sưng. Hãy luôn chắc chắn về những loại thuốc bạn sử dụng và các tiền sử bệnh lý của bản thân, không tự ý mua thuốc điều trị mà cần sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ vì nó có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang dùng hoặc làm các bệnh lý khác của bạn tồi tệ hơn.
- Nẹp cố định đầu gối: Để bảo vệ đầu gối của bạn khi đang bị tổn thương, nẹp sẽ cố định khớp gối nhằm hạn chế tối đa các vận động tại vùng này giúp các thương tổn nhanh hồi phục trở lại. Ngoài ra, để bảo vệ đầu gối của bạn hơn nữa, bạn có thể mang nạng để không đè sức nặng lên chân. Việc sử dụng nẹp hay nạng sẽ gây bất tiện trong việc di chuyển của bạn một thời gian, nhưng nó có hiệu quả giúp bạn nhanh chóng hồi phục tổn thương hơn.
- Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đánh giá khớp gối của bạn và sau đó lên kế hoạch cho các bài tập phục hồi chức năng phù hợp với nhu cầu cá nhân của bạn. Các chương trình vật lý trị liệu sẽ được thiết kế để giúp bạn có cơ hội tốt nhất trở lại hoạt động bình thường. Mục đích của vật lý trị liệu là giúp đầu gối của bạn phục hồi toàn bộ khả năng vận động, sức mạnh, sự ổn định của khớp gối, và trở lại hoạt động bình thường như trước khi bị chấn thương.
Điều trị can thiệp bằng phẫu thuật
Phương pháp điều trị can thiệp phẫu thuật có khả năng khôi phục lại dây chằng bị đứt, rách. Phương pháp này phù hợp với những chấn thương mức độ vừa đến nặng, người có đủ sức khỏe để trải qua một cuộc phẫu thuật và chấp nhận được các nguy cơ của cuộc phẫu thuật mang lại, người cần vận động nhiều hoặc các công việc đòi hỏi sức khỏe.
Bác sĩ có thể sẽ không khuyên bạn nên phẫu thuật ngay sau khi bạn bị chấn thương vào viện. Thuận lợi nhất là bạn nên đợi ít nhất một hoặc hai tuần để tình trạng sưng tấy ở đầu gối giảm bớt trước tiên, khi có việc đánh giá nên phẫu thuật hay không sẽ chính xác hơn. Hiện nay, phương pháp hay được áp dụng nhất là phẫu thuật để xây dựng lại dây chằng khớp gối thực hiện bằng nội soi khớp với các vết mổ nhỏ. Phẫu thuật nội soi khớp ít xâm lấn. Lợi ích của các kỹ thuật ít xâm lấn bao gồm ít đau do phẫu thuật, ít thời gian nằm viện và thời gian hồi phục nhanh hơn.
Thời gian sẽ mất từ 6 đến 12 tháng để trở lại hoạt động bình thường sau khi phẫu thuật. Hơn nữa, bạn cần phải chuẩn bị để trải qua một thời gian vật lý trị liệu kéo dài và căng thẳng sau khi phẫu thuật. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn về những ưu điểm và nhược điểm của điều trị phẫu thuật để quyết định phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất cho bạn.
biến chứng chấn thương dây chằng khớp gối
Sau khi điều trị không có nghĩa là mọi thứ trở lại bình thường, một số trường hợp có thể hồi phục hoàn toàn, trở lại như trước khi bị chấn thương nhưng một số trường hợp để lại các biến chứng không mong muốn, có thể các biến chứng sẽ theo bạn mãi mãi.
Những người gặp chấn thương dây chằng khớp gối có nguy cơ cao bị viêm xương khớp ở đầu gối. Viêm khớp có thể xảy ra ngay cả khi bạn phẫu thuật để tái tạo lại dây chằng.
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ viêm khớp, chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của chấn thương ban đầu, sự hiện diện của các chấn thương liên quan khác ở khớp gối hoặc mức độ hoạt động sau khi điều trị.
Phòng tránh và phục hồi chấn thương dây chằng khớp gối
Các cách phòng tránh chấn thương dây chằng khớp gối
Việc vận động và tuân thủ các nguyên tắc khi luyện tập thể dục hay chơi thể thao có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương dây chằng khớp gối. Các bác sĩ y học thể thao, nhà trị liệu vật lý, huấn luyện viên thể thao hoặc chuyên gia khác về y học thể thao có thể cung cấp cho bạn đầy đủ những đánh giá, những hướng dẫn và phản hồi cụ thể để giúp bạn giảm thiểu rủi ro.
Một số chương trình tập luyện giảm chấn thương dây chằng khớp gối có thể kể đến bao gồm:
- Các bài tập để tăng cường sức mạnh cho phần hông, xương chậu và bụng dưới – với mục tiêu huấn luyện các vận động viên tránh di chuyển đầu gối vào trong khi ngồi xổm.
- Các bài tập tăng cường cơ bắp chân, đặc biệt là các bài tập gân khoeo, để đảm bảo sự cân bằng tổng thể về sức mạnh cơ chân.
- Huấn luyện và tập thể dục nhấn mạnh kỹ thuật và vị trí đầu gối thích hợp khi nhảy và tiếp đất từ các bước nhảy.
- Huấn luyện nâng cao kỹ thuật khi thực hiện các động tác xoay.
Sử dụng thêm các vật dụng bảo vệ cơ thể và đảm bảo các yếu tố nguy cơ bên ngoài không ảnh hưởng xấu đến việc gây gây chấn thương dây chằng khớp gối khi bạn hoạt động. Một số hành động cụ thể như: Mang nẹp đầu gối để bảo vệ cùng đầu, Mang giày dép và đệm lót phù hợp với môn thể thao của bạn để giúp ngăn ngừa chấn thương, Nếu bạn trượt tuyết xuống dốc, hãy đảm bảo rằng các dây buộc trượt tuyết của bạn được điều chỉnh chính xác bởi một chuyên gia được đào tạo để ván trượt của bạn sẽ nhả ra nếu bạn bị ngã,…
Phục hồi chức năng chấn thương dây chằng khớp gối
Chấn thương dây chằng khớp gối ảnh hưởng đến chức năng vận động của bạn và nguy cơ kết thúc sự nghiệp thể thao đối với một số vận động viên thể thao là vô cùng nặng nề. Phương pháp điều trị của bạn sau khi chấn thương dây chằng khớp gối có liên quan đến phẫu thuật hay không thì việc phục hồi chức năng sau chấn thương cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa bạn trở lại các hoạt động hàng ngày một cách nhanh và hiệu quả nhất mà không có nguy cơ bị chấn thương mới hoặc những thay đổi thoái hóa ở đầu gối. Trở lại mức độ hoạt động thể thao mức độ cao là một dấu hiệu cho thấy sự thành công của việc điều trị.
Trong trường hợp bạn phải phẫu thuật, vật lý trị liệu bước đầu sẽ tập trung vào việc giúp phục hồi các chuyển động cho khớp và các cơ xung quanh. Sau đó là một chương trình trị liệu tăng cường được thiết kế để bảo vệ dây chằng với mục tiêu dần dần làm tăng sức căng của dây chằng. Giai đoạn cuối cùng của quá trình phục hồi chức năng nhằm mục đích phục hồi chức năng phù hợp với hoạt động thể thao của vận động viên hoặc nhu cầu vận động của từng các nhân.
Các chương trình phục hồi chức năng hiện tại sử dụng việc huấn luyện ngay lập tức phạm vi chuyển động. Việc mang tạ được khuyến khích trong vòng tuần đầu tiên sau khi tái tạo dây chằng. Thông thường, bệnh nhân được phép trở lại các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như chạy sau 2-3 tháng sau phẫu thuật và tiếp xúc với các môn thể thao, kể cả chạy nhảy, sau 6 tháng. Trong nhiều trường hợp, các quyết định dựa trên kinh nghiệm và các chương trình phục hồi chức năng được điều chỉnh theo thời gian được chọn để trở lại thể thao.
Tổng kết về chấn thương dây chằng khớp gối
Chấn thương dây chằng khớp gối gặp ở nữ nhiều hơn nam với tỷ lệ nữ/nam khoảng 3/1 và tổn thương này thường gặp ở người trẻ.
Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) là loại tổn thương được ghi nhận nhiều hơn hết trong 4 dây chằng chính của khớp gối. Những môn thể thao có nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) cao hơn là trượt tuyết, bóng rổ và bóng đá.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp nhất khi chấn thương dây chằng khớp gối là đau dữ dội và sưng tấy nhiều vùng khớp gối bên bị chấn thương, có thể có vết bầm tím hoặc tụ máu; hạn chế vận động của khớp gối, bạn có thể đau khi vận động hoặc đi lại khó khăn, thậm chí bạn không thể dứng thẳng vì đầu gối không còn chịu được sức nặng của phần trên cơ thể; bạn có thể cảm thấy khớp lỏng lẻo hơn; khi có chấn thương nghiêm trọng có vết thương hở, có thể bạn sẽ thấy đầu dây chằng bị đứt hoặc các xương đùi hay chằng chân bị di lệch.
Khi bị chấn thương cần được sơ cứu ban đầu đúng cách và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
Các phương pháp chẩn đoán chấn thương dây chằng khớp gối bao gồm: siêu âm khớp gối, chụp phim X-Q khớp gối, chụp phim cắt lớp vi tính (CT), chụp phim cộng hưởng từ (MRI),…
Điều trị chấn thương dây chằng khớp gối có thể sử dụng các phương pháp điều trị không cần can thiệp phẫu thuật như dùng các loại thuốc, nẹp khớp gối, vật lý trị liệu hoặc điều trị can thiệp phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi của bạn, mức độ chấn thương, tình trạng cơ thể hiện tại và nhu cầu cá nhân của bạn.
Hiểu rõ các cách phòng trành và phục hồi chức năng sau chấn thương dây chằng khớp gối giúp bạn trở lại các hoạt động hàng ngày một cách nhanh và hiệu quả nhất mà không có nguy cơ bị chấn thương mới hoặc những thay đổi thoái hóa ở đầu gối.