tìm hiểu chấn thương thể thao

Chấn thương trong thể thao:

Nguyên nhân, Phân loại, Xử trí, Điều trị hiệu quả và Phục hồi chức năng

 

Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhận thức của con người ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng được đặt lên hàng đầu. Trong các phương pháp rèn luyện sức khỏe tích cực, không thể không nhắc đến việc tập luyện thể dục – thể thao. Có rất nhiều bài tập thể dục – thể thao phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mỗi người nhưng đôi khi những rủi ro như chấn thương trong thể thao có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.

Các chấn thương trong thể dục – thể thao thường xảy ra ở người trẻ tuổi và trẻ em. Theo ước tính của Stanford Children’s Health, mỗi năm có hơn 3,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị thương khi tham gia các hoạt động thể chất. Và 1/3 số ca chấn thương ở trẻ em cũng liên quan đến thể thao.

Tỷ lệ chấn thương thể dục – thể thao nhiều hay ít tùy theo từng nước: Liên Xô (cũ): 2%, Tiệp khắc (cũ): 2,3%, Na Uy: 0,8%, Thụy Điển: 7-13%, Liên Bang Đức: 10% trong tổng các loại chấn thương. Loại chấn thương rất đa dạng, một số loại chủ yếu hay gặp là: va chạm tổn thương, tổn thương cơ- gân, bong gân, tổn thương khớp và sai khớp, gẫy xương, chấn động não, xây sát tổn thương phần mềm,…

Mỗi môn thể thao, chấn thương hay khu trú vào một vùng nhất định. Ví dụ với bóng đá 76,67% là chi dưới, quyền anh 23,89% ở đầu, thể dục dụng cụ 54,49% ở chi trên,…

 

Chấn thương trong thể thao là gì

Như thế nào là chấn thương trong thể thao

Chấn thương thể thao rất đa dạng về cơ chế chấn thương, triệu chứng biểu hiện ở mỗi cá nhân và cách xử lý chấn thương cũng tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Việc xác định chính xác chấn thương thể thao là gì có thể không nhất quán.

Theo hướng dẫn của IOC (Ủy Ban Olympic Quốc Tế) về chấn thương thể thao năm 2012, chấn thương thể thao có thể được định nghĩa là “thiệt hại cho các mô của cơ thể xảy ra do thể thao hoặc tập thể dục.” 

Các định nghĩa đưa ra có thể được thảo luận và linh động thay đổi cho phù hợp với từng hoàn cảnh.

 

Phân loại các nhóm chấn thương trong thể thao

Trong các cách phân loại nhóm chấn thương trong thể dục – thể thao thì cách phân loại về sức khỏe, chức năng và khuyết tật được khái quát bằng mô hình ICF (International Classification of Functioning, Disability and Health) được biết nhiều nhất và được xem như tiêu chuẩn vàng để phân loại vì rất đầy đủ và chi tiết.

Tuy nhiên, hiện tại phân loại này lại hiếm khi được sử dụng trong lĩnh vực y học thể thao. Đối với các nhà nghiên cứu trong thể thao họ yêu cầu các tiêu chí xác định đơn giản, thực tế và nhất quán khi mô tả một chấn thương để có thể áp dụng được trên một loạt các môn thể thao, mục đích là để phát triển hệ thống giám sát chấn thương. Nhiều hệ thống giám sát đã được hoàn thiện và phát triển để phân loại chấn thương với nhiều cách phân loại dựa trên thời gian chấn thương, vị trí chấn thương, loại mô bị ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng của chấn thương,…

  • Phân loại theo loại mô bị ảnh hưởng: chấn thương xương, chấn thương khớp, chấn thương sụn khớp, chấn thương cơ bắp, chấn thương dây chằng, chấn thương da, chấn thương thần kinh, chấn thương ngực, chấn thương bụng,…

 

  • Phân loại theo thời gian và mức độ chấn thương: chấn thương không cấp tính, chấn thương cấp tính, chấn thương quá mức.

 

  • Phân loại theo cơ chế chấn thương: chấn thương trực tiếp (cơ chế tiếp xúc), chấn thương gián tiếp (cơ chế không tiếp xúc).

 

8 chấn thương trong thể dục – thể thao phổ biến nhất là gì

Mặc dù có rất nhiều dạng chấn thương và mức độ từng chấn thương cũng khác nhau tùy thuộc nhiều vào môn thể thao bạn tập luyện. Hầu như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể đều có thể bị thương, bao gồm cơ bắp, xương, khớp và các mô liên kết như gân và dây chằng. Mắt cá chân và đầu gối đặc biệt dễ bị chấn thương hơn vì là các vùng khớp cần cử động nhiều nhất của cơ thể. Một số tổn thương cụ thể và được kể đến nhiều nhất là 8 chấn thương trong thể dục – thể thao phổ biến sau đây:

  • Căng cơ
  • Bong gân
  • Chấn thương đầu gối
  • Gãy xương
  • Khuỷu tay tennis
  • Viêm gân Achilles/ viêm cân gan chân
  • Chấn thương vai/ lưng
  • Chấn động não (choáng)

 

Nguyên nhân yếu tố nguy cơ gây chấn thương thể thao

Nguyên nhân thường gặp của chấn thương trong thể thao

Chấn thương trong thể dục – thể thao là một loại chấn thương xảy ra khi tham gia vào các hoạt động thể dục – thể thao. Nguyên nhân dẫn đến chấn thương cũng rất đa dạng, có thể là yếu tố chủ quan bên trong, và cũng có thể là các yếu tố khách quan từ bên ngoài. Một vài nguyên nhân và hoàn cảnh cụ thể sẽ được nhắc đến ngay sau đây.

Chấn thương thể thao có thể xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan:

  • Xảy ra do thúc đẩy bản thân tập luyện quá sức
  • Một tai nạn đột ngột như ngã hoặc va chạm mạnh giữa các người chơi
  • Thiếu sự điều tiết nhịp nhàng giữa các động tác
  • Không khởi động đúng cách trước khi tập thể dục
  • Hình thức tập luyện hoặc sử dụng các kỹ thuật không phù hợp
  • Thực hiện sai kỹ thuật.

Capture 7

Ngoài ra, chấn thương thể thao cũng có thể xảy ra do nhiều yếu tố khách quan bên ngoài gây nên như:

  • Môi trường tập luyện, sân bãi
  • Yếu tố điều kiện thời tiết không thuận lợi: mưa trơn trượt, gió thổi mạnh, tuyết rơi gây hạn chế tầm nhìn,…
  • Sử dụng dụng cụ tập luyện không được bảo dưỡng đúng cách: dây buộc dụng cụ trượt tuyết để lâu không được thay mới kịp thời,…

anh7 jfee

 

Dù nguyên nhân là do yếu tố chủ quan hay khách quan thì khi có chấn thương xảy ra đều gây nguy hiểm cho người tập luyện, làm ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng và chúng ta cần hiểu và nắm rõ các biện pháp xử trí đúng cách để giảm thiểu nguy cơ tối đa.

 

Các yếu tố nguy cơ góp phần gia tăng tỷ lệ thường gặp chấn thương trong thể thao

Chấn thương trong các hoạt động thể dục – thể thao có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng một số yếu tố sau đây có thể khiến bạn hoặc người thân có nguy cơ cao bị chấn thương hơn bình thường:

  • Trẻ em hiếu động: Vì tính chất hiếu động, trẻ em dễ bị chấn thương. Trẻ nhỏ không biết giới hạn thể chất của mình đến đâu nên thường chơi hết mình, bất chấp nguy cơ chấn thương do sai kỹ thuật hoặc hình thức vận động không phù hợp với thể trạng.
  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi, bạn càng dễ gặp chấn thương. Tuổi tác cũng làm tăng khả năng bạn bị chấn thương lặp đi lặp lại. Những vết thương mới có thể làm trầm trọng thêm các vết thương trước đó.
  • Chăm sóc vết thương không đúng cách: Đôi khi, chấn thương nghiêm trọng bắt đầu từ những dấu hiệu nhỏ. Nếu không được điều trị đúng cách hoặc bỏ qua, sẽ phát triển thành chấn thương nghiêm trọng.
  • Thừa cân: Trọng lượng dư thừa sẽ tạo áp lực lên các khớp, bao gồm hông, đầu gối và mắt cá chân. Áp lực càng tăng lên khi bạn tập thể dục hoặc thể thao, dẫn tới nguy cơ chấn thương cao hơn.
  • Dụng cụ chơi thể thao không phù hợp: Có thể bạn dành tình yêu đặc biệt cho đôi giày thể thao lâu năm của mình, nhưng gần đây đế của nó đã mòn, và mũi giày cũng sờn đi. Tương tự, bạn thích một chiếc vợt tennis nhưng nó quá nặng so với lực cổ tay bạn. Những dụng cụ thể thao không phù hợp đó không nên đồng hành cùng bạn trên sân tập, bởi chúng sẽ gián tiếp gây chấn thương cho bạn

chấn thương mắt cá chân

Triệu chứng và cách nhận biết sớm khi có chấn thương thể dục – thể thao

Mỗi chấn thương sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết riêng, từ đó mà cách sơ cứu cũng khác nhau. Nhận biết được chấn thương sớm sẽ giúp bạn hạn chế tối đa tổn thương cho cơ thể. Những thông tin sau đây sẽ cung cấp cho bạn những triệu chứng điển hình nhất của các chấn thương trong thể dục – thể thao phổ biến mà người trẻ hay gặp phải:

  • Căng cơ: là khi các cơ bị căng quá mức có thể dẫn tới rách cơ. Các triệu chứng của căng cơ có thể bao gồm: đau tại vị trí căng cơ, sưng tấy thường đi kèm với dấu hiệu đau, yếu cơ khi thực hiện động tác, sử dụng cơ khó khăn hoặc không thể sử dụng cơ để thực hiện động tác.
  • căng cơ

 

 

Các vị trí thường xuất hiện căng cơ nhất là những vị trí mà tại đó cơ phải thực hiện động tác cần lực tương đối mạnh. Ví dụ, thường căng cơ tại cơ vùng cẳng chân, cơ vùng đùi, các nhóm cơ vùng vai và vùng thắt lưng.

  • Bong gân: là hiện tượng các dây chằng hỗ trợ khớp bị giãn ra quá mức. Các dấu hiệu của bong gân có thể bao gồm đau tại vị trí bong gân, cảm giác đau tăng lên khi thực hiện bất kỳ động tác nào tại khớp, bầm tím xuất hiện không lâu sau khi chấn thương tại vị trí đau, viêm nhiễm, sưng tấy đi kèm, không có khả năng cử động một chi hoặc khớp, cảm giác khớp lỏng lẻo, không ổn định. 

bong gân cổ tay

 

bong gân cổ chân

Các vị trí thường bị bong gân nhất là những vị trí mà tại đó phải thực hiện động tác nhiều lần và các động tác phối hợp phức tạp. Ví dụ, thường gặp nhất là bong  gân mắt cá chân và bong gân cổ tay. Đôi khi người chơi chỉ bị té ngã và lật bàn chân vào trong cũng dễ dàng gây trật mắt cá ngoài.        

  • Chấn thương đầu gối: đầu gối do có cấu tạo phức tạp và phải chịu lực nâng đỡ toàn bộ sức nặng của phần trên cả cơ thể nên khớp gối thường dễ bị chấn thương nhất. Các triệu chứng thường gặp nhất khi bạn bị một chấn thương dầu gối là đầu gối đau dữ dội, không thể tiếp tục hoạt động, sưng tấy kèm theo nhanh chóng, mất hoàn toàn phạm vi chuyển động hoặc chỉ di động trong phạm vi rất nhỏ khó quan sát rõ được, cảm giác khớp lỏng lẻo, không còn được giữ cố định.

Đa số các vận động của khớp gối là thường xuyên và cần lực mạnh, hệ thống dây chằng khớp gối bị dằng xé nhiều, vì vậy, chấn thương khớp gối gặp nhiều nhất là các chấn thương dây chằng. Bạn có thể bị đứt rách các dây chằng chéo trước (ACL), dây chằng chéo sau (PCL), dây chằng bên mác (MCL) hoặc dây chằng bên chày (LCL).

 

chấn thương gối trong thể thao
chấn thương gối trong thể thao

Ngoài chấn thương dây chằng khớp gối, đầu gối cũng có thể bị một chấn thương xương bánh chè (Hội chứng Patellofemoral) xảy ra khi xương bánh chè không di chuyển được một cách trơn tru, làm tổn thương mô dưới xương bánh chè. Vận động viên chạy bộ, bóng chuyền và bóng rổ là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải chấn thương này. 

  • Gãy xương: là tình trạng xương bị gãy do lực tác động mạnh từ bên ngoài. Tình trạng xương gãy rất đa dạng và mức độ trầm trọng cũng khác nhau, liên quan đến hướng điều trị chấn thương và khả năng phục hồi sau điều trị. Xương có thể gãy theo chiều dọc, chiều ngang, ở nhiều vị trí hoặc gãy thành nhiều mảnh. Triệu chứng khi có gãy xương có thể bao gồm: âm thanh lạo xạo dưới da khi chấn thương xảy ra, đồng thời vị trí xương gãy bị bầm tím, sưng đỏ, biến dạng. Bạn cũng không thể vận động linh hoạt tại nơi bị gãy. Triệu chứng đau là một biểu hiện chắc chắn có, và tùy thuộc vào tình trạng gãy xương cũng như khả năng chịu đựng của từng người, mức độ đau có thể từ vừa phải đến rất đau và cũng có thể sốc do đau.
gãy xương rất phổ biến trong chấn thương thể thao
gãy xương rất phổ biến trong chấn thương thể thao

Bất kỳ vị trí xương nào khi có va mạnh với lực tác động mạnh đều có thể bị gãy xương. Nhưng phổ biến hơn là tại các vị trí có các xương dài như xương cánh tay, xương cẳng tay, xương đùi, xương cằng chân.

  • Khuỷu tay tennis: là một loại viêm gân – sưng gân gây đau ở khuỷu tay và cánh tay. Những gân này là các dải mô cứng nối các cơ của cánh tay dưới của bạn với xương. Mặc dù tên của tổn thương này là “khuỷu tay tennis” nhưng bạn vẫn bị loại chấn thương này ngay cả khi bạn chưa không chơi Ví dụ cầm vợt trong khi đi đoạn đường dài, có thể làm căng cơ bắp và gây quá nhiều căng thẳng cho gân, sự kéo liên tục, đặc biệt là nếu bạn sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ quá nhiều sẽ góp phần vào việc tạo nên chấn thương “khuỷu tay tennis”. 
chấn thương khửu tay tennis thể thao
chấn thương khửu tay tennis thể thao

Các triệu chứng của khuỷu tay tennis bao gồm đau và đau ở mỏm xương phía bên ngoài khuỷu tay của bạn. Mỏm xương này là nơi các gân bị thương bám vào để kết nối với xương. Cơn đau cũng có thể lan ra cánh tay về phía lên trên hoặc xuống dưới. Mặc dù tổn thương chỉ nằm ở khuỷu tay, nhưng bạn có khả năng sẽ bị đau khi làm mọi thứ bằng tay. Khuỷu tay tennis có thể gây đau đớn nhất khi bạn nâng một cái gì đó, làm hành động một nắm đấm hoặc nắm một vật chẳng hạn một cây vợt tennis, mở cửa hoặc bắt tay, giơ tay lên hoặc duỗi thẳng cổ tay.

  • Chấn thương vai: có nhiều loại chấn thương khác nhau ở vùng lưng sau liên quan nhiều đến phần vai và phần thắt lưng. Ví dụ như chấn thương làm trật khớp vai, viêm hoặc rách vòng bít quay, viêm gân chóp xoay, vai đông cứng, tổn thương sụn viền khớp vai là những chấn thương vai thường gặp khi chơi thể thao. Triệu chứng thường gặp có thể bao gồm: đau dữ dội ngay khi chấn thương xảy ra, sưng, cứng vùng vai; không thể cử động vai và cánh tay bình thường; khớp vai bị biến dạng…

trật khớp vai

Các môn thể thao có nguy cơ cao hơn về loại chấn thương này là bóng chuyền, bóng bầu dục, leo núi, khúc côn cầu, trượt tuyết.

  • Chấn động não (Choáng): là loại chấn thương vùng đầu phổ biến nhất. Một chấn động não có thể xảy ra khi đầu bị va đập xuống nền đất hoặc tiếp xúc với một cú đỡ bóng trên không, hoặc khi một cú lắc đầu đột ngột đủ mạnh để phần nhu mô não đáng lẽ được cách với hộp sọ bởi một lớp dịch não tủy thì lại bị va chạm vào hộp sọ. Chấn động não có thể dao động từ nhẹ đến nặng. Bạn có thể không cần phải bị đánh vào đầu để bị chấn động. Một tác động ở những nơi khác trên cơ thể có thể tạo ra đủ lực để tác động đến não bộ, một bộ phận quan trọng và cũng vô cùng nhạy cảm trên cơ thể.
chấn động nào trong chấn thương thể thao
chấn động nào trong chấn thương thể thao

Chấn động là khá phổ biến, với ước tính cứ 21 giây tại Mỹ lại ghi nhận có một chấn động nhẹ xảy ra. Một số hoàn cảnh có thể làm tăng nguy cơ chấn động não được nhắc đến là: té ngã đặc biệt là té ngã khi đang di chuyển, chơi một môn thể thao liên lạc, nhảy lên đỡ bóng bằng đầu,…

Chấn động có thể khó chẩn đoán hoặc bạn cũng có thể tự nhận biết được ngay sau khi chấn động xảy ra. Sự choáng váng có thể xuất hiện trong vài giây, hoặc bạn sẽ không có triệu chứng gì trong vòng năm ngày đến một tuần.

 

Xử trí ban đầu đối với chấn thương trong thể thao như thế nào là đúng cách

Xử trí ban đầu là bước vô cùng quan trọng. Xử trí ban đầu nhằm khắc phục tối đa được các rủi ro có thể xảy đến và việc nắm rõ những biện pháp xử trí đúng cách giúp việc tập luyện thể dục – thể thao đạt đến mức hiệu quả cao nhất, đồng thời hạn chế hết mức có thể các biến chứng phòng ngừa nếu chẳng may có chấn thương xảy ra.

 

Đối với những chấn thương không cấp tính

Sau khi bị chấn thương, dấu hiệu đau thường luôn có và xuất hiện ngay lập tức, đau thường có kèm theo các dấu hiệu khác như sưng tấy và bầm tím, đôi khi có hạn chế vận động hoặc cứng khớp tại vùng bị tổn thương. Nhìn chung, các dấu hiệu này đều không quá nguy hiểm và bạn đều có thể bình tĩnh tự sơ cứu cho bản thân một cách tốt nhất.

Dừng ngay việc tập luyện nếu bạn cảm thấy đau, bất kể chấn thương của bạn xảy ra đột ngột hay tiến triển từ từ trong một thời gian thì dấu hiệu đau luôn là dấu hiệu cảnh báo để bạn dừng lại. Việc tiếp tục tập thể dục trong cơn đau có thể gây thêm tổn thương và làm chậm quá trình phục hồi của bạn.

Nhiều phương pháp có thể hỗ trợ sơ cứu tại chỗ như bình xịt sử dụng trong thể thao, chườm lạnh làm giảm sưng tấy, băng ép cố định, kê cao vùng chân hoặc tay bị chấn thương,…

 

Đối với những chấn thương cấp tính

Sau các chấn thương nghiêm trọng, cơ thể bạn sẽ cảm thấy các triệu chứng nặng ở ngoài tầm kiểm soát, đa số các chấn thương gây ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động chức năng chẳng hạn như gãy xương khiến bạn đau quá mức chịu đựng và hoàn toàn mất vận động vùng có tổn thương gãy xương, hay tổn thương trật khớp gối khiến bạn không thể đứng thẳng được, nghiêm trọng hơn có thể là các chấn thương vùng đầu, các chấn thương ngực và chấn thương bụng đều các chấn thương nặng do ảnh hưởng đến các trung tâm điều hòa thần kinh, tuần hoàn và hô hấp.

Xử trí ban đầu khi xảy ra những chấn thương cấp tính đòi hỏi tính chính xác và kịp thời, đôi khi vì xử trí ban đầu sai cách mà các tổn thương diễn biến nặng hơn, thậm chí để lại các di chứng ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng của cơ thể không thể phục hồi. Các kỹ năng bạn cần biết để đảm bảo sơ cứu đúng cách khi bản thân và người thân gặp phải chấn thương là các kỹ năng bất động xương khớp, băng ép để cầm máu nếu có chảy máu nhiều, thậm chí là kỹ năng hồi sức tim phổi nhân tạo trong trường hợp các chấn thương rất nặng xảy ra.

 

Chẩn đoán chính xác khi có chấn thương trong thể thao như thế nào

Nhiều chấn thương thể thao gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu ngay lập tức. Ngược lại, một số loại chấn thương lại chỉ có thể nhận thấy sau một thời gian dài. Do đó, nếu thường xuyên chơi thể thao, bạn cần kiểm tra sức khỏe xương khớp định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm chấn thương.

Trong quá trình khám, bác sĩ thường áp dụng các bước sau:

  • Kiểm tra thể chất: Bác sĩ sẽ cố gắng di chuyển khớp hoặc bộ phận bị thương trên cơ thể bạn. Việc làm này giúp các bác sĩ phán đoán được mức độ chấn thương.
  • Hỏi tiền sử bệnh: Bạn cần chuẩn bị thông tin cho những câu hỏi như bạn bị thương như thế nào, trong lúc đang làm gì, đã sơ cứu vết thương ra sao, áp dụng phương pháp điều trị nào chưa… 
  • Xét nghiệm và thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính CTScans hoặc siêu âm sẽ giúp bác sĩ xem xét vết thương rõ nhất, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác. 

 

Điều trị hiệu quả các chấn thương trong thể dục và thể thao

Công tác điều trị phụ thuộc vào loại chấn thương và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Bạn cần phải đảm bảo mình luôn gặp được bác sĩ nếu cơn đau của bạn kéo dài sau một vài ngày. Bạn có thể nghi ngờ mình bị bong gân đơn giản hoặc cũng bạn đang bị gãy xương và cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Sử dụng thuốc: căn cứ vào tình trạng của bạn, các bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc giảm đau và chống viêm giúp bạn kiểm soát cơn đau, giảm viêm, giảm sưng. Bạn không nên tự ý mua thuốc điều trị mà cần sự tư vấn của bác sĩ.

Vật lý trị liệu: có thể giúp phục hồi vị trí bị thương, các bài tập có thể kích thích việc dùng lực trở lại cho các vùng bị tổn thương và đảm bảo tính linh hoạt của vận động. Thời gian bạn có thể trở lại thể dục – thể thao sau chấn thương phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.

Can thiệp phẫu thuật: là phương pháp điều trị có khả năng khôi phục lại các cấu trúc bị tổn thương, mong đợi sự hồi phục hoàn toàn sau chấn thương, Một số can thiệp phẫu thuật đối với các chấn thương phổ biến như phẫu thuật mổ kết hợp xương, phẫu thuật tái tạo dây chằng, phẫu thuật thay khớp háng, … Tuy nhiên, phẫu thuật là một can thiệp xâm lấn và có một vài nguy cơ nhất định. Điều này bạn cần được bác sĩ tư vấn cụ thể trước khi quyết định can thiệp phẫu thuật.

 

Phòng tránh và phục hồi chức năng

Các cách phòng tránh chấn thương trong thể thao

Biết được các cách phòng tránh chấn thương sẽ giúp bạn rèn luyện sức khỏe một cách an toàn. Dưới đây là một vài điều bạn cần lưu ý để hạn chế tối đa việc xảy ra chấn thương cho bạn và cả người thân của mình.

  • Tập luyện đúng kỹ thuật: mỗi môn thể thao đòi hỏi các kỹ thuật riêng. Tốt nhất hãy tìm đến huấn luyện viên để được hướng dẫn tập luyện đúng cách. Đây là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa chấn thương.
  • Lựa chọn dụng cụ tập luyện phù hợp: hãy chuẩn bị cho mình một đôi giày thể thao vừa vặn và êm ái, chiếc vợt với sức nặng phù hợp và vừa tay,… dụng cụ phù hợp với bản thân sẽ tránh được tình trạng chấn thương không mong muốn.
  • Thả lỏng cơ thể sau buổi tập: sau khi tập xong, bạn hãy dành một chút thời gian để thư giãn và hạ nhiệt độ cơ thể xuống từ từ. Việc làm này nhằm mục đích giảm dần nhịp tim, giữ cơ bắp ở trạng thái như trước khi vận động, giảm nguy cơ đau mỏi cơ. Bạn có thể chạy bộ nhẹ, thả lỏng hoặc giãn cơ.
  • Không nôn nóng tập luyện trở lại sau chấn thương: nếu bạn bị thương, hãy đảm bảo rằng bạn đã được chữa trị dứt điểm trước khi ra sân trở lại. khi trở lại tập luyện sau chấn thương, bạn nên bắt đầu bằng những bài tập vừa sức, sau đó tăng cường độ lên dần. Tuyệt đối không tập ngay với cường độ như trước khi bị chấn thương.
  • Chế độ dinh dưỡng thân thiện với cơ xương khớp: nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, bạn sẽ khó hồi phục sức khỏe sau khi hoạt động thể lực và tăng nguy cơ chấn thương. Một chế độ ăn giúp tăng sức mạnh cho cơ bắp phải cân bằng các nhóm chất tinh bột, cất đạm, các vitamin và chất vi khoáng.

 

Phục hồi chức năng đúng cách sau chấn thương trong thể thao

Việc xây dựng một chương trình phục hồi chức năng cho chấn thương thể thao phải được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của từng bệnh nhân, tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Mục tiêu của phục hồi chức năng sau chấn thương là giúp bệnh nhân trở lại mức độ chức năng và độc lập cao nhất có thể, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể – về thể chất, cảm xúc và xã hội.

Muốn đạt được những mục tiêu này, một số chương trình phục hồi chức năng sau chấn thương thể thao đã được xây dựng như sau:

  • Vật lý trị liệu
  • Các chương trình tập thể dục để kéo dài và tăng cường chức năng từng khu vực
  • Bài tập điều hòa để giúp ngăn ngừa chấn thương thứ phát
  • Sử dụng nẹp hoặc bột để bất động vùng tổn thương
  • Sử dụng nạng hoặc xe lăn để hạn chế vận động vùng tổn thương
  • Giáo dục bệnh nhân và gia đình cách tự tập luyện

 

Các phòng khám và bác sĩ chuyên khoa chấn thương thể dục – thể thao được biết đến nhiều nhất hiện nay

Đa số các chương trình phục hồi chức năng cho chấn thương thể thao thường được thực hiện tại các cơ sở ngoại trú. Nhiều chuyên gia lành nghề họ đóng vai trò là một phần của đội ngũ phục hồi chấn thương thể thao, họ có thể là:

  • Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình / chỉnh hình
  • Physiatrist
  • Chuyên gia trị liệu vật lý
  • Chuyên gia trị liệu nghề nghiệp
  • Nhà sinh lý học tập thể dục
  • Chuyên gia y học thể thao
  • Huấn luyện viên thể thao

Nếu không phải là vận động viên chuyên nghiệp, thì việc tìm kiếm những phòng khám chuyên khoa chấn thương thể thao đối với bạn cũng không dễ dàng. Các chấn thương bạn gặp phải cũng có thể rất đa dạng, vì vậy việc thăm khám tại các cơ sở uy tín và có đội ngũ bác sĩ nhiều kinh nghiệm sẽ giúp bạn hồi phục tốt hơn. Các phòng khám và bã sĩ chuyên khoa chấn thương thể thao được biết đến nhiều nhất hiện nay có thể kể đến Khoa Chấn thương thể thao Bệnh viện 115, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức,…

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *