Hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn có vẻ nghe còn mới lạ với không ít người. Thế nhưng đây lại là một hoạt động vô cùng cần thiết nếu bạn muốn máy kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của mình cho ra kết quả chuẩn xác. Vậy cụ thể quá trình hiệu chuẩn này là gì và có các bước tiến hành ra sao?
Hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn là gì?
Hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn
Theo như định nghĩa trong luật Đo lường số 04/2011/QH13 ban hành vào ngày 11/11/2011, Hiệu chuẩn được hiểu là cách thức xác định, tạo lập so sánh giữa giá trị chuẩn của thang đo lường và phương tiện đo với giá trị cụ thể của đại lượng cần đo, bao gồm:
- Chuẩn đo lường: thể hiện của phương tiện kỹ thuật, xác định bằng đơn vị của đại lượng đo, sử dụng làm chuẩn để so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.
- Phương tiện đo: phương tiện kỹ thuật để tiến hành
- Phép đo: Toàn bộ quy trình, thao tác định lượng ra giá trị.
Đồng thời trong bộ luật trên có hướng dẫn việc hiệu chuẩn không bắt buộc. Nhưng với thiết bị cần độ chính xác cao, kết quả đo lường cần sử dụng trong xử lý vi phạm như hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn là vô cùng cần thiết.
Hiểu đơn giản hơn, hiệu chuẩn với thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở là mang máy đi đo một mẫu đã biết trước kết quả chính xác. Sau đó so sánh kết quả đo được trên máy với kết quả đã biết. Nếu sai lệch trong khoảng cho phép thì bạn tiếp tục sử dụng máy. Còn nếu thấp hơn hoặc cao hơn thì phải có biện pháp xử lý trước khi dùng trở lại.
Yêu cầu trước khi hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn
Để quá trình hiệu chuẩn có thể tiến hành thành công và cho kết quả mỹ mãn, bạn cần nắm bắt một số yêu cầu cơ bản như sau.
#1. Hiểu rõ thiết bị đo nồng độ cồn
Bạn cần phải biết thiết bị của mình có những khuyến cáo nào đi kèm từ hãng hay không. Đa phần các hãng sản xuất đều hướng dẫn người dùng nên hiệu chuẩn thiết bị của mình sau khoảng 1 năm sử dụng. Một số hãng thì khuyên nên tiến hành sau một số lần đo nhất định. Tức là bạn có thể phải hiệu chuẩn sớm hơn nếu dùng tần suất liên tục.
Ngoài ra cũng không nên tin vào những quảng cáo máy đo nồng độ cồn có thể sử dụng mãi mãi mà luôn đảm bảo chính xác. Thiết bị dù hiện đại đến đâu cũng không tránh được việc có sai số sau thời gian sử dụng. Nhiệm vụ của bạn là kiểm tra và đưa chúng về độ lệch cho phép.
#2. Tìm hiểu các hướng dẫn, quy định về hiệu chuẩn
Bạn cần tìm hiểu các hướng dẫn, quy định cụ thể về kỹ thuật này trên các phương diện sau:
- Hướng dẫn sử dụng của hãng: Các hãng máy lớn trên thế giới đều có hướng dẫn về việc hiệu chuẩn sao cho dễ và chính xác. Trong đó cũng khuyến cáo về phương pháp và thiết bị hiệu chuẩn tương thích. Bạn muốn máy của mình an toàn và có thể tiếp tục dùng thì không nên bỏ qua hướng dẫn này nhé.
- Luật pháp quy định: Bởi máy đo nồng độ cồn liên quan trực tiếp đến bằng chứng xử lý vi phạm giao thông, đôi khi là án hình sự nên cơ quan nhà nước có ban hành các điều luật về hiệu chuẩn thiết bị. Nhất là các máy đo do CSGT sử dụng thì càng cần quan tâm, để ý đến tiêu chí này.
- Các tiêu chuẩn đo lường: Ngoài hướng dẫn trong Luật Đo lường phía trên, các Tiêu chuẩn Việt Nam cũng có đề cập đến vấn đề này.
#3. Chuẩn bị nhân lực và vật tư hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn
Người tiến hành hiệu chuẩn thiết bị nên là người có am hiểu các máy móc đo nồng độ cồn nhất định. Đặc biệt là phải có chứng nhận Kỹ thuật viên vận hành và hiệu chuẩn, có sự ủy quyền từ hãng sản xuất. Không nên tự ý tháo lắp máy mà chưa qua đào tạo.
Vật tư hiệu chuẩn có lựa chọn tốt nhất là đồng bộ từ hãng sản xuất máy. Một số thương hiệu lớn như Lifeloc, AlcoMeters, Draeger… có sản xuất những thiết bị và bộ hiệu chuẩn cực chất lượng và sử dụng cho nhiều loại máy khác nhau.
Các phương pháp hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn thường gặp
Có 2 phương pháp hiệu chuẩn máy đo thường được dùng, đó là hiệu chuẩn bằng khí khô và bằng khí ướt.
Hiệu chuẩn bằng khí khô
Hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn bằng khí khô hiểu đơn giản là sử dụng một bình khí nén đã biết trước nồng độ. Tại cũng một điều kiện nhiệt độ và áp suất tương đương với điều kiện chuẩn, người tiến hành sẽ xả van bình khí, để một lượng khí nhất định đi vào trong máy.
Sau khi cảm biến nhận diện được hơi thở, sẽ tiến hành đo và cho ra kết quả cuối cùng. Hiệu chuẩn thành công khi kết quả đo được có độ chính xác trong khoảng mong muốn và độ lặp lại ổn định.
Ưu điểm của phương pháp này là:
- Chi phí rẻ hơn, tiết kiệm hơn so với việc hiệu chuẩn bằng khí ướt.
- Nếu kỹ thuật viên có kinh nghiệm và kiến thức thì có thể sử dụng để hiệu chuẩn tại chỗ khi cần
- Một bình khí có thể sử dụng cho nhiều thiết bị khác nhau
- Tiết kiệm thời gian chờ đợi khi hiệu chuẩn hàng loạt
Tuy nhiên vẫn tồn tại nhược điểm:
- Bình khí khô không thể vận chuyển di động đi nhiều nơi
- Sau khi mở van bình, thông số chuẩn có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường nếu để lâu
- Độ chính xác trong quá trình hiệu chuẩn thấp hơn sử dụng phương pháp ướt
- Có yếu tố nguy hiểm liên quan đến nguy cơ cháy nổ cao
Hiệu chuẩn bằng dung dịch ướt
Thay vì sử dụng trực tiếp khí chứa cồn như phương pháp khô, hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn bằng dung dịch ướt lại pha trộn nước và dung dịch chứa cồn, thông qua máy tạo ra hơi thở tương tự như của người. Sau đó, sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, đo lượng khí đẩy ra từ máy trên và xem xét kết quả.
Nếu tiến hành bằng dung dịch ướt, quá trình hiệu chuẩn sẽ có những ưu điểm như:
- Độ chính xác cao bởi mọi công đoạn đều tiến hành bằng máy
- Hơi thở mô phỏng tương tự như người thổi, đến cả nhiệt độ, độ ẩm cũng giống
- Thời gian chờ để bắt đầu hiệu chuẩn ngắn hơn
- Thiết bị gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển
Một vài nhược điểm nho nhỏ:
- Giá thành cao hơn do phải đầu tư hệ thống máy móc
- Bắt buộc phải sử dụng ở nơi có nguồn điện
- Điều kiện bảo quản hóa chất, dung dịch cũng khắt khe hơn
Chuẩn bị trước khi hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn
Để quá trình hiệu chuẩn máy đo tiến hành thuận lợi và tuân thủ chính xác, những điều kiện sau cần được đảm bảo:
- Người tiến hành hiệu chuẩn phải là người có chức năng và được phân công thực hiện nhiệm vụ này. Ngoài ra cần nắm vững quy trình cũng như các quy định cụ thể về nồng độ chuẩn máy.
- Đơn vị hiệu chuẩn máy đã được cấp phép từ cơ quan chức năng có thẩm quyền cho hoạt động này. Đảm bảo có thể dán tem kiểm định sau khi hiệu chuẩn thành công
- Các thiết bị, vật tư sử dụng trong quá trình hiệu chuẩn đảm bảo còn hạn sử dụng, được kiểm tra thường xuyên và không có dấu hiệu hư hỏng, hỏng hóc
- Môi trường tiến hành có nhiệt độ 25 ± 3 độ C, độ ẩm không vượt quá 90%, áp suất khí quyển (860 + 1060) hPa
- Đảm bảo hệ thống thông thoát khí, hệ thống phòng cháy chữa cháy
- Trong cùng khu vực lân cận không có các loại khí có khả năng ăn mòn hoặc dễ gây cháy nổ.
Quy trình hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn bằng phương pháp khí khô
Chuẩn bị vật tư, thiết bị
Bình khí chuẩn có sẵn nồng độ
- 1 bình khí “không”: Khí nitơ theo tiêu chuẩn TCVN 3286:1979, hoặc không khí sạch chứa thành phần C2H5OH dưới ngưỡng máy đo được.
- Bình khí chuẩn: chứa C2H5OH và N2 theo hàm lượng chuẩn biết trước
- Phòng hiệu chuẩn đáp ứng yêu cầu đã nêu phía trên
- Đặt tất cả các bình khí trong phòng ít nhất 6h với bình nhỏ hơn 40L và tối thiểu 16h với bình từ 40L trở lên.
- Bộ điều chỉnh được lưu lượng khí
- Ẩm kế, nhiệt kế phòng
Bước 1: Kiểm tra các yếu tố cơ bản của máy đo nồng độ cồn
Trước khi tiến hành bước quan trọng nhất, kỹ thuật viên cần kiểm tra từng chi tiết một như sau:
- Kiểm tra hình dáng thiết bị: Đánh giá bằng mắt thường xem máy có giống model đã đăng ký hay không. Thông qua các chi tiết như hình dáng, kích thước, các bộ phận cấu tạo, phụ kiện đi kèm…
- Kiểm tra hoạt động của thiết bị: Máy có hoạt động bình thường hay không, có cảm ứng với hơi thở khi tiến hành đo nồng độ. Nếu máy báo pin yếu thì cần sạc lại trước khi hiệu chuẩn.
Bước 2: Kiểm tra điểm 0 xem máy có chính xác
- Dùng máy đo lường, đo 3 lần liên tiếp khí “không” đã chuẩn bị trước
- Ghi chép kết quả vào biên bản kiểm định
- Tính toán sai số
Sai số cho phép ở bước này chỉ được đạt ± 0,005 mg/L hoặc ± 0,002 %BAC. Nếu máy vượt quá thì không thể cho qua bước này.
Bước 3: Tiến hành đo khí chuẩn – hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn
- Lấy 2 bình khí chuẩn có hàm lượng khác nhau
- Lần lượt dùng máy đo mỗi bình 3 lần liên tiếp, ghi chép lại kết quả đo vào biên bản hiệu chuẩn.
- Tính toán sai số theo công thức:
- Sau đó thì so sánh với bảng, nếu kết quả trong dải cho phép thì tiến hành bước tiếp.
Bước 4: Kiểm tra độ lặp lại của máy đo nồng độ cồn
- Sử dụng 1 trong 2 hàm lượng khí chuẩn đã biết
- Dùng máy đo liên tiếp bình đó trong 5 lần, ghi lại kết quả
- Tính độ lệch chuẩn theo công thức:
- Độ lệch chuẩn không được phép vượt quá ⅓ sai số lớn nhất
Bước 5: Tổng kết, kết luận hiệu chuẩn
Nếu máy đạt tất cả những yêu cầu ở 4 bước phía trên thì đã qua phần hiệu chuẩn. Đồng nghĩa với việc đóng dấu đạt trong biên bản, cấp giấy chứng nhận hiệu chuẩn có thời hạn và dán tem đánh dấu ngày tháng.
Còn nếu không đạt thì không được giấy chứng nhận và tem hiệu chuẩn cũ cũng bị loại bỏ. Thiết bị sẽ được gửi về nhà máy nếu vẫn còn thời hạn bảo hành. Hoặc xử lý tùy theo người sở hữu.
Quy trình hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn bằng phương pháp dung dịch ướt
Chuẩn bị vật tư, thiết bị hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn
- Dung dịch trắng: Nước cất 2 lần, nước siêu sạch đảm bảo TCVN 4851 : 1989 hoặc ISO 3696 : 1987
- Dung dịch chuẩn: Có chứa thành phần C2H5OH với hàm lượng biết trước
- Phòng hiệu chuẩn đáp ứng yêu cầu đã nêu phía trên
- Đặt các phương tiện sẽ dùng trong phòng ít nhất 4h đồng hồ.
- Hệ thống chuẩn khí ướt có cung cấp sẵn
- Nhiệt kế phòng, ẩm kế
Quá trình tiến hành hiệu chuẩn ướt máy đo nồng độ cồn
Về cơ bản các bước tiếp theo cũng tương tự quy trình hiệu chuẩn bằng khí khô, mời bạn tham khảo cụ thể:
- Bước 1: Quan sát bằng mắt thường máy và bấm thử xem có hoạt động bình thường
- Bước 2: Dùng dung dịch trắng để kiểm tra điểm 0 của máy. Đổ dung dịch trắng vào hệ thống, làm ấm đến nhiệt độ 34 độ C rồi đo hơi ẩm thoát ra. Số lần đo là 3 lần, ghi chép kết quả và so với mức sai số cho phép.
- Bước 3: Tiếp tục lấy dung dịch chuẩn C2H5OH vào hệ thống chuẩn khí ướt, làm ấm rồi cũng đo 3 lần liền nhau. Ghi lại kết quả và tính toán sai số, vẫn nằm trong bảng sau là đạt:
- Bước 4: Kiểm tra độ lặp lại bằng cách đo liên tiếp 5 lần với 1 định lượng dung dịch chuẩn biết trước hàm lượng. Đánh giá độ lệch chuẩn, đạt yêu cầu khi thấp hơn ⅓ sai số.
- Bước 5: Đánh giá hiệu chuẩn đạt hay không đạt. Làm tương tự bước 5 với hiệu chuẩn bằng khí khô.
Khi nào nên hiệu chỉnh máy thổi nồng độ cồn?
Thời gian thông thường nên tiến hành hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn là ít nhất 1 năm 1 lần. Tuy nhiên, có sự thay đổi, nếu tính theo số lần là tương đương 100-500 lần kiểm tra hoặc 6 tháng một lần. Mốc thời gian này tùy thuộc vào loại máy thổi, công nghệ cảm biến được lắp đặt và thông số kỹ thuật theo công bố của nhà sản xuất.
Mẫu biên bản hiệu chuẩn
Ngoài ra trong quá trình sử dụng mà máy xuất hiện chỉ cần 1 trong các lỗi sau thì tốt nhất nên ngưng dùng, và gửi đi hiệu chuẩn ngay lập tức:
- Nếu một người đã uống rượu mà thiết bị hiển thị 0,00 ‰.
- Nếu thông báo CAL hoặc SER được hiển thị.
- Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở đã được cất giữ trong một thời gian dài với các vật liệu có chứa cồn.
- Sau khi thực hiện một vài bài kiểm tra trong khoảng thời gian tương tự, kết quả là như nhau (nên thấp hơn).
- Không có phản ứng sau khi thực hiện thử nghiệm hoặc đếm thời gian để bắt đầu thử nghiệm.
- Máy liên tục trả về kết quả kiểm tra cao bất thường hoặc thậm chí vượt quá mức tối đa.
- Cùng một mẫu mà đo trong khoảng thời gian ngắn, kết quả rất khác nhau.
Kết luận
Vậy là những thông tin chi tiết nhất về hiệu chuẩn máy đo nồng độ cồn đã được Kim Hưng gửi đến bạn. Công ty chúng tôi là nơi cung cấp đầy đủ máy đo, ống thổi nồng độ cồn các hãng, xuất xứ và giấy tờ nhập khẩu rõ ràng. Đặc biệt kỹ sư của chúng tôi sẽ tư vấn cụ thể về quá trình hiệu chuẩn khi quý khách có nhu cầu. Hotline Kim Hưng liên hệ 0963.889.249 sẵn sàng tiếp nhận yêu cầu từ bạn.