cơ sở cai nghiện ma túy

CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

            Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2020, nước ta có hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ được quản lý, hơn 10.000 ca nghiện mới mỗi năm. Do đó, việc lựa chọn một cơ sở cai nghiện ma túy uy tín, phù hợp đang là vấn đề nan giải đối với nhiều gia đình có con em không may nghiện ma túy. Biết và thấu hiểu khó khăn này, Kimhung.vn xin chia sẻ đến bạn bài viết ‘Cơ sở cai nghiện và những điều cần biết’ để góp phần giúp bạn đưa ra quyết định, lựa chọn đượccơ sở cai nghiện đúng đắn và thích hợp nhất với hoàn cảnh, nhu cầu của gia đình.

Danh Mục Chính

VIDEO HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG QUE THỬ MA TÚY

Cơ sở cai nghiện

Cơ sở cai nghiện ma túy 

Trước hết, chúng ta cần hiểu cơ sở cai nghiện là gì ?

Theo khoản 14 Điều 2 Luật phòng chống ma túy 2021 thì Cơ sở cai nghiện ma túy là cơ sở được thành lập để thực hiện đầy đủ quy trình cai nghiện theo quy định của pháp luật, bao gồm cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (hay còn gọi cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân).

– Một số cơ sở cai nghiện tiêu biểu như:

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang.         

cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang
cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang

 

  Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa

cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Thanh Đa
cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Thanh Đa

Trung tâm cai nghiện ma túy Bố Lá 

cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bố Lá
cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bố Lá

Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội 

Picture4

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau

Picture5



ma túy đá là gì | cắn kẹo | hút cỏ có gây nghiện không 

loại hình cơ sở cai nghiện ma túy

Cơ sở cai nghiện được phân thành 2 loại là Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (hay còn gọi là cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân).

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập là cơ sở cai nghiện ma túy do nhà nước thành lập, chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập. Ví dụ: Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh An Giang; Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Phúc; Cơ sở cai nghiện số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Hà Nội…..

Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện

Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện là cơ sở ma túy do các tổ chức, cá nhân thành lập. Giống như cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tư nhận cũng chịu sự quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Ví dụ: Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh Đa; Cơ sở cai nghiện ma túy Phú Đức;….

Hiện nay, trên cả nước có tổng số 145 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó 123 cơ sở công lập và 22 cơ sở cai nghiện tự nguyên do tư nhân thành lập. Các cơ sở cai nghiện ma túy đều có đầy đủ giấy phép hoạt động và tư cách pháp nhân theo pháp luật nên bạn hoàn toàn yên tâm khi cho con em điều trị, cai nghiện tại đây.



Chức năng nhiệm vụ cơ sở cai nghiện ma túy

Chức năng cơ sở cai nghiện

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập có các chức năng sau đây:

  • Tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc.
  • Tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện.
  • Tổ chức tiếp nhận người sử dụng, người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.
  • Tổ chức điều trị thay thế đổi với người sử dụng, người nghiện ma túy.

 

Còn các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (tư nhân) có chức năng duy nhất là tổ chức điều trị, cai nghiện ma túy tự nguyện dựa trên khả năng tiếp nhận của cơ sở.

Nhiệm vụ của cơ sở cai nghiện ma túy

Cơ sở cai nghiện có các nhiệm vụ chính sau đây:

  • Tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá, phân loại, xác định tình trạng nghiện ma túy.
  • Tổ chức điều trị, cai nghiện, cắt cơn giải độc, phục hồi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và tổ chức các hoạt động rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho người nghiện ma túy.
  • Tổ chức các hoạt động trị liệu tâm lý, hành vi và tổ chức các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm cho người đã và đang cai nghiện ma túy.
  • Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở cai nghiện ma túy. Hướng dẫn, tư vấn cho gia đình người nghiện ma túy về điều trị, cai nghiện, quản lý, giáo dục tại gia đình và cộng đồng.
  • Tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, nâng cao trình độ nhận thức; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động văn hóa, xã hội cho học viên đang cai nghiện; hướng nghiệp và phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện các biện pháp hỗ trợ về vốn, tạo việc làm, giúp học viên sau khi cai nghiện thành công nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
  • Tổ chức,tham gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng liên quan đến bảo vệ môi trường, an ninh trật tự tại cơ sở cai nghiện ma túy và địa bàn nơi trú đóng của cơ sở cai nghiện ma túy.
  • Phối hợp và thực hiện các nhiệm vụ khác do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao phó.


Quyền trách nhiệm cơ sở cai nghiện ma túy

Quyền của cơ sở cai nghiện ma tuý

            Cơ sở cai nghiện ma túy có các quyền sau đây:

  • Tiếp nhận người nghiện ma túy tham gia điều trị, cai nghiện ma túy tự nguyện phù hợp với khả năng tiếp nhận của cơ sở cai nghiện;
  • Được quyết định, áp dụng các biện pháp phù hợp để quản lý, giáo dục, điều trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy.
  • Được thu các khoản chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy để chi trả, hỗ trợ và vận hành cơ sở cai nghiện theo quy định của pháp luật;
  • Được hưởng chế độ ưuđãi dành cho cơ sở cai nghiện theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma tuý

Cùng với các quyền được hưởng, cơ sở cai nghiện ma túy cũng có các trách nhiệm sau đây đối với học viên và xã hội:

  • Tuân thủ các quy định của pháp luật về xác định tình trạng nghiện ma túy và quy trình cai nghiện ma túy, quản lý học viên đã và đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện;
  • Tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của học viên tại cơ sở cai nghiện;
  • Bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật đối với các học viên đang trong thời gian cai nghiện và cấp giấy xác nhận hoàn thành quá trình cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi trở lên;
  • Người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy; niêm yết công khai chi phí cai nghiện ma túy tại cơ sở theo quy định của pháp luật;
  • Phòng và chống việc ma túy thâm nhập vào các cơ sở cai nghiện, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cai nghiện của học viên cũng như gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở cai nghiện;
  • Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày học viên được tiếp nhận; hoặc tự ý chấm dứt quy trình cai nghiện, rời khỏi cơ sở cai nghiện; hoặc cai nghiện thành công phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp Xã nơi học viên đó đăng ký khi tham gia cai nghiện.


Điều kiện cơ sở vật chất cơ sở cai nghiện ma túy

Picture7

Theo quy định của pháp luật, cơ sơ cai nghiện phải có cơ sở vật chất tối thiểu như sau:

  • Khu vực chuyên môn: phải đảm bảo có nơi tiếp nhận người nghiện, cắt cơn giải độc, cấp cứu, theo dõi sau cắt cơn, phục hồi sức khoẻ, xét nghiệm và các điều kiện cần thiết khác theo quy định của Bộ Y tế;
  • Có đủ điện, nước, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo quy định;
  • Có đủ trang thiết bị y tế để thực hiện việc cắt cơn, giải độc, theo dõi sức khoẻ và phục hồi sức khoẻ sau cắt cơn, giải độc theo đúng quy định của Bộ Y tế;
  • Có khu vực quản lý riêng cho người cai nghiện ma túy là người chưa thành niên, phụ nữ, người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm; người đã cai nghiện nhiều lần hoặc người có hành vi gây rối trật tự công cộng trong thời gian cai nghiện;
  • Có biện pháp, phương tiện bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ sức khoẻ, an toàn tính mạng của cán bộ, nhân viên và người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện;
  • Đảm bảo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt hợp vệ sinh cho người cai nghiện ma túy.


Đối tượng học viên của cơ sở cai nghiện 

Cơ sở cai nghiện ma túy được phép tiếp nhận các học viên thuộc một trong các đối tượng sau:

  • Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hoặc được giáo dục nhiều lần tại địa phương mà vẫn còn tiếp tục nghiện ma túy. Lúc này, người nghiện ma túy sẽ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường ở nơi cứ trú lập hồ sơ đề nghị đi cai nghiện bắt buộc.

(Hồ sơ đề nghị bao gồm biên bản vi phạm, bản tóm tắt lý lịch, tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó, bản tường trình của người nghiện ma túy hoặc của người đại diện hợp pháp của họ, ý kiến của cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp).

  • Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được phát hiện bởi các chiến sĩ công an trong quá trình điều tra, phá án. Đối tượng này sẽ được cai nghiện bắt buộc tại khu vực riêng, biệt lập với các khu vực khác.
  • Người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

Trên đây là các đối tượng phải đi cai nghiện ma túy bắt buộc tại các cơ sở ma túy công lập. Các đối tượng sẽ có thời gian tối đa là 03 tháng, kể từ ngày bị phát hiện hoặc có quyết định yêu cầu đi cai nghiện bắt buộc, nhằm để họ có thời gian sắp xếp, chuẩn bị đồ dùng, tư trang, sức khỏe, giấy tờ, tâm lý và kinh tế trước khi vào cơ sở cai nghiện.

  • Cuối cùng là người nghiện ma túy chủ động làm đơn xin đi cai nghiện.

            Đối với các học viện thuộc nhóm đối tượng cai nghiện bắt buộc sẽ được hoãn hoặc dừng thi hành quyết định cai nghiện trong trường hợp:

  • Người đó không có năng lực trách nhiệm hành chính;
  • Phụ nữ đang mang thai (yêu cầu có xác nhận của bệnh viện);
  • Phụ nữ hoặc người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, không có ai để nhờ cậy (yêu cầu có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi cư trú).
  • Người bị bệnh nặng, không có khả năng tham gia và hoàn thành quá trình cai nghiện tại cơ sở cai nghiện (yêu cầu có xác nhận của bệnh viện);
  • Người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Xã nơi người đó cư trú xác nhận. Cụ thể là trường hợp gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không có tài sản có giá trị để tạo ra thu nhập phục vụ sinh hoạt hoặc có bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con bị ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là lao động duy nhất của gia đình đó.


Quyền trách nhiệm của học viên tại cơ sở cai nghiện

Các học viên trong cơ sở cai nghiện, dù là bắt buộc hay tự nguyện thì đều được đảm bảo các quyền cơ bản sau:

  • Mọi học viên đều được đối xử bình đẳng như nhau, không được phép có sự phân biệt đối xử giữ các học viên.
  • Học viên được phép mang theo các đồ dùng (như điện thoại, chăn, gối, quần áo, giày dép, đồ vệ sinh cá nhân…), tư trang cá nhận để phục vụ, hỗ trợ trong sinh hoạt cũng như quá trình cai nghiện theo quy định pháp luật và nội quy của từng cơ sở cai nghiện.
  • Ngoài thời gian tiến hành điều trị, cai nghiện, học tập và lao động bắt buộc, các học viên sẽ có thời gian hoạt động tự do, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, văn nghệ lành mạnh.
  • Học viên được phép gặp thân nhân và nhận quà tặng theo nội quy của từng cơ sở cai nghiện.
  • Học viên được khen thưởng nếu đạt được thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, lao động, rèn luyện, cũng như bị kỷ luật khi phạm lỗi theo quy định của pháp luật và nội quy tại cơ sở cai nghiện

Đi cùng với các quyền được hưởng, học viên phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động điều trị, cai nghiện, học tập, lao động theo sắp xếp của cơ sở cai nghiện. Điều này sẽ giúp học viên đảm bảo thành công trong quá trình cai nghiện ma túy, tăng cường sức khỏe, nâng cao nhận thức và trở thành con người có ích cho gia đình, xã hội. Ngoài ra, học viên cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và nội quy của cơ sở cai nghiện; tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Cuối cùng, học viên có trách nhiệm tự bảo quản đồ đạc, tư trang cá nhân cũng như các vật dụng, cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện.



Biện pháp cai nghiện tại cơ sở cai nghiện

            Dựa trên đối tượng cai nghiện, các biện pháp cai nghiện được chia thành 2 loại:

            – Cai nghiện ma túy tự nguyện.

            – Cai nghiện ma túy bắt buộc

Cai nguyện ma túy tự nguyện

            Biện pháp cai nguyện ma túy tự nguyện được áp dụng khi bạn chủ động làm đơn xin đi cai nghiện.

            Thời gian cai nghiện tự nguyện sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 12 tháng, tùy thuộc vào tình trạng, mức độ nghiện ma túy và loại ma túy đang nghiện. Quá trình cai nghiện tự nguyện được xem là thành công và chấm dứt khi học viên đã thành công điều trị, cắt cơn, giải độc do nghiện ma túy và được giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách.

            Hiện nay, cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập vẫn đang được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí. Trong trường hợp người nghiện ma túy có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng chi trả, nhà nước sẽ tạo điều kiện giảm hoặc miễn toàn bộ chi phí.

            Còn tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện (tư nhân), tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, tiện nghi, dịch vụ, bạn sẽ cần phải chi trả một khoản chi phí nhất định tùy thuộc vào mỗi cơ sở.

            Đặc biệt, sau khi hoàn tất quá trình cai nghiện ma túy tự nguyện, học viên sẽ được cấp giấy xác nhận hoàn thành quá trình cai nghiện. Điều này sẽ giúp học viên chứng minh bản thân đã cai nghiện ma túy thành công và dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng hơn rất nhiều.

Cai nghiện ma túy bắt buộc

            Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc là biện pháp được áp dụng đối với các đối tượng học viên còn lại. Cần lưu ý đây là biện pháp chỉ có ở các cơ sở cai nghiện công lập. Thời gian cai nghiện bắt buộc với học viên đủ 18 tuổi trở lên sẽ kéo dài từ 12 tháng đến 24 tháng và dưới 18 tuổi là 06 tháng đến 12 tháng tùy vào tình hình thức tế của học viên. Tương tự như biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện, nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ một phần chi phí.



Quy trình cai nghiện ma túy

            Mỗi cơ sở cai nghiện sẽ có quy trình cai nghiện riêng, được xây dựng bởi chính đội ngũ y bác sĩ dựa trên tình hình thực tế và điều kiện vật chất tại cơ sở đó. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả điều trị, cai nghiện, các quy trình cai nghiện đều phải đảm bảo 5 giai đoạn sau đây theo quy định của pháp luật:

Capture 1

 

Giai đoạn tiếp nhận phân loại đối tượng nghiện ma túy

(Giai đoạn 1)

Đây là giai đoạn đầu tiên khi bạn và gia đình mới tiếp xúc với cơ sở cai nghiện.

Đầu tiên, các y bác sĩ và nhân viên tại cơ sở cai nghiện sẽ tư vấn cho bạn và gia đình về các phương pháp cai nghiện đang được áp dụng tại cơ sở cai nghiện, quy trình, thời gian cai nghiện và giải đáp các thắc mắc nếu có. Đồng thời, sẽ cung cấp các tài liệu và thông báo cho gia đình, người thân của bạn về vai trò, trách nhiệm của họ, để họ động viên người thân chuẩn bị, sẵn sàng bắt đầu quá trình cai nghiện.

Sau khi bạn đã đăng ký, hoàn tất thủ tục và đến cơ sở cai nghiện, bạn sẽ được sắp xếp khám sức khỏe tổng quát và lập hồ sơ bệnh án theo quy định. Lưu ý, ngoài các xét nghiệm thông thường (như xét nghiệm mỡ máu, lượng đường trong máu, xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận…..), bạn sẽ phải thực hiện thêm các xét nghiệm về ma túy như xét nghiệm que thử ma túy, xét nghiệm nước tiểu tìm ma túy, xác định nồng độ ma túy trong máu…. Việc này sẽ giúp các y bác sĩ có cái nhìn ban đầu và rõ ràng về tình hình sức khỏe cũng như mức độ, thời gian nghiện ma túy và loại ma túy bạn đang nghiện. Từ đó, các y bác sĩ sẽ thảo luận, xem xét đưa ra kế hoạch cai nghiện thích hợp và hiệu quả nhất dành cho bạn.

Ngoài ra, hồ sơ bệnh án cũng là căn cứ để các cán bộ tại cơ sở cai nghiện phân loại học viên thành các nhóm (mỗi nhóm không quá 20 người), sắp xếp khu vực sinh hoạt và điều trị. Các học viên nghiện ma túy mức độ nặng, mức độ nhẹ, học viên là nữ và các học viên đặc biệt được bố trí tại các khu vực khác nhau. Việc này sẽ giúp dễ dàng quản lý, tránh gây ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị.

Cuối cùng, tại giai đoạn này, các cán bộ tại cơ sở cai nghiện sẽ phổ biến nội quy và kiểm tra tư trang, đồ dùng mà bạn mang theo khi vào cơ sở cai nghiện. Mục đích là để loại trừ việc các chất cấm, chất gây nghiện, ma túy thâm nhập vào cơ sở cai nghiện.

Giai đoạn điều trị cắt cơn giải độc và nâng cao sức khỏe

(Giai đoạn 2)

Ở giai đoạn này, dựa trên hồ sơ bệnh án (theo lời khai của bệnh nhân và các kết quả xét nghiệm), y bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và cho y lệnh điều trị, bao gồm: cắt cơn và điều trị các bệnh cơ hội, các bệnh tâm thần (nếu có).

Phác đồ cắt cơn sẽ được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ y tế và tình hình thực tế của học viên. Trước khi tiến hành cắt cơn nghiện, học viên sẽ được tư vấn tâm lý, đảm bảo học viên chuẩn bị sẵn sàng, tích cực và kiên trì trong suốt thời gian điều trị. Việc điều trị cắt cơn sẽ song hành với việc điều trị các bệnh cơ hội, nếu bệnh đó ảnh hưởng đến quá trình cắt cơn của học viên.

Quá trình cắt cơn sẽ kéo dài từ 10 ngày đến 20 ngày, sau đó sẽ tiến hành đánh giá kết quả. Nếu thành công, sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Ngược lại, học viên sẽ tiếp tục điều trị cho đến lần đánh giá tiếp theo.

Sau khi cắt cơn thành công, học viên sẽ bước tiến hành giải độc và nâng cao sức khỏe. Lúc này, tùy thuộc vào cơ sở cai nghiện mà học viên sẽ sử dụng các phương pháp khác nhau như sử dụng thuốc, tập luyện thể dục thể thao, sử dụng máy học hỗ trợ, mát-xa, tắm hơi…. Trong lúc này, học viên sẽ được tuyên truyền, giáo dục về các bệnh nhiễm trùng cơ hội, HIV/AIDS, các bệnh lây truyền đường sinh dục dễ mắc ở người nghiện ma túy.

Giai đoạn giáo dục tư vấn phục hồi hành vi nhân cách đối tượng nghiện

(Giai đoạn 3)

Như tên gọi, tại giai đoạn này, cơ sở cai nghiện sẽ tập trung nâng cao nhân thức – trình độ của học viên bằng cách để học viên tham gia lớp học về:

– Các lớp học văn hóa (tương ứng các chương trình của bộ giáo dục) phù hợp với trình độ văn hóa của học viên để giúp học viên nâng cao trình độ văn hóa.

– Các lớp học chuyên đề như: giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, an ninh quốc phòng…. nhằm uốn nắn nhân cách, nhận thức hành vi của học viên, giúp học viên có suy nghĩ tích cực, tốt đẹp, đúng đắn.

Đồng thời, trong giai đoạn này, học viên sẽ được tiến hành tư vấn tâm lý, giúp học viên nhận thức rõ hơn về bản thân, sửa chữa lỗi lầm, xóa bỏ mặc cảm. Học viên sẽ được định hướng, hoàn thiện bản thân trong tương lai, ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, tùy thuộc vào từng cơ sở cai nghiện mà học viên có thể tham gia các lớp học về thiền định, tham gia các hoạt động công ích, hoạt đông văn nghệ (ca hát, múa, vẽ tranh…), thể dục thể thao (bóng đá, cầu lông, bóng bàn…).

Lao động trị liệu và học nghề

(Giai đoạn 4)

Tại giai đoạn này, học viên vẫn sẽ tiếp tục duy trì điều tri, đồng thời kết hợp với học các lớp học nghề. Giai đoạn này sẽ giúp học viên có các kĩ năng nghề nghiệp nhất định, từ đó sẽ dễ dàng tìm được công việc, ổn định cuộc sống sau khi kết thúc quá trình điều trị. Ngoài ra, học viên cũng sẽ tham gia lao động tại cơ sở cai nghiện như dọn dẹp về sinh, trồng rau….để giúp học viên hiểu được giá trị của lao động.

Các lớp học nghề thường được tổ chức tại các cơ sở cai nghiện có thể kể đến như:

– Lớp học may đo – thiết kế thời trang

– Lớp học cơ khí, điện tử – điện lạnh.

– Lớp học nghề mộc.

– Lớp học thủ công mỹ nghệ

…….

Đặc biệt, các lớp học này sẽ do thầy cô từ cơ sở dạy nghề giảng dạy và sau khi hoàn tất lớp học nghề, học viên sẽ nhận được chứng chỉ hành nghề sơ cấp, trung cấp, thường xuyên…dựa trên kết quả học tập.

Phòng chống tái nghiện chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng

(Giai đoạn 5)

Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình cai nghiện. Lúc này, các y bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn học viên cách chống tái nghiện và kê đơn thuốc ngăn ngừa tái nghiện (nếu cần).

Học viên cũng sẽ được tư vấn, chuẩn bị kĩ càng cách ứng phó với các tình huống có thể xảy ra khi quay lại cộng đồng.

 Các cơ sở cai nghiện sẽ cung cấp cho học viên các hỗ trợ sau cai nghiện theo quy định của pháp luật và nội quy của cơ sở cai nghiện như giới thiệu việc làm, bố trí sinh hoạt, chuẩn bị hồ sơ…

Kết thúc quá trình cai nghiện, học viên sẽ được kiểm tra sức khỏe và nhận bản tổng kết quá trình cai nghiện trước khi rời khỏi cơ sở cai nghiện. Hồ sơ của học viên sẽ được chuyển sang các cơ sở quản lý sau cai nghiện. Trong trường hợp học viên đang điều trị các bệnh khác, học viên sẽ được chuyển đến các cơ sở y tế để tiếp tục chữa bệnh.



Chương trình khác được cung cấp tại cơ sở cai nghiện

Cùng với mục tiêu chính là điều trị, cai nghiện ma túy, các cơ sở cai nghiện còn cung cấp thêm một số chương trình hữu ích để bổ trợ cho quá trình cai nghiện. Tiêu biểu như:

  • Chương trình tuyên truyền, tư vấn về tác hại ma túy, nghiện ma túy và cách nhận biết, điều trị.
  • Chương trình điều trị bán trú sau khi cai nghiện thành công.
  • Chương trình điều trị ngoại trú.

tư vấn về nghiện ma túy và cách nhận biết, điều trị

            Tư vấn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác điều trị, cai nghiện. Tư vấn ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong việc thuyết phục người cai nghiện và người nhà của họ đồng  ý tham gia điều trị. Các chuyên gia tư vấn sẽ đồng hành cùng học viên trong suốt quá trình cai nghiện để giúp đỡ học viên và gia đình tháo gỡ những khó khăn, tổn thương về tâm lý.

Chương trình này sẽ bao gồm các buổi tư vấn được tổ chức thường xuyên tại các cơ sở cai nghiện. Đến với các buổi tuyên truyền, tư vấn này, bạn sẽ có thêm các kiến thức về:

  • Ma túy và nghiện ma túy, tác hại của ma túy: Từ đó ý thức được mối nguy hiểm do tệ nạn này mang lại, tránh xa ma túy và giáo dục, tuyên truyền đến mọi người xung quanh cùng chung tay đẩy lùi ma túy.
  • Biết được các dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy: Giúp bạn phát hiện xung quanh bạn và gia đình có ai có khả năng đang nghiện ma túy hay không. Từ đó thông báo đến gia đỉnh họ, khuyên bảo, động viên họ sớm điều trị, cai nghiện, buông bỏ ma túy. Việc điều trị sớm không chỉ giảm thời gian, chi phí điều trị mà còn nâng cao tỷ lệ thành công và hồi phục của bệnh nhân.
  • Đặc biêt là được tư vấn, tìm hiểu và cung cấp tài liệu về điều trị, cai nghiện ma túy. Hỗ trợ, giải đáp thắc mắc và lựa chọn cơ sở cai nghiện, biện pháp cai nghiện phù hợp nhất trong trường hợp bạn không may có con em nghiện ma túy.

điều trị bán trú sau cai nghiện thành công

            Sau thời gian dài điều trị, cai nghiện, học viên thường có xu hướng khép mình, khó hòa nhập với cộng đồng và thiếu nhiều kỹ năng sống cần thiết. Biết được những trăn trở này, các cơ sở cai nghiện đã cung cấp chương trình điều trị bán trú sau khi cai nghiện để giải quyết các vấn đề này.

            Mục đích của chương trình này là để học viên:

  • Củng cố các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống;
  • Khuyến khích học viên tham gia các hoạt động công đồng để họ thấy được giá trị, trách nhiệm của bản thân;
  • Gắn kết, giao lưu với những người bình thường khác.
  • Hạn chế nguy cơ tái nghiện.

Phương pháp được sử dụng trong chương trình này, bao gồm:

  • Điều chỉnh về tâm lý: Hỗ trợ và giúp học viên vượt qua cơn thèm ma túy và phát hiện các dấu hiệu cảnh bảo sự tái nghiện. Tiếp tục điều trị các vấn đề tâm lý như buồn chán, cô đơn, lạc lõng và tổn thương tâm lý khi học viên quay lại với cộng đồng.
  • Điều chỉnh các mối quan hệ xã hội như giao tiếp với mọi người xung quanh và gia đình; giải quyết căng thẳng, áp lực trong cuộc sống;
  • Cân bằng lối sống: Tạo điều kiện cho học viên làm việc (có lương) tại các cơ sở kinh doanh, đồng thời tiếp tục điều trị tại cơ sở cai nghiện. Cơ sở sẽ có nhiệm vụ quản lý giờ giấc sinh hoạt, làm việc, học tập của học viên để họ có lối sống lành mạnh, trật tự, ngăn nắp.

Trong chương trình này, học viên sẽ được phép ra bên ngoài làm việc, học tập như bình thường và quay lại cơ sở cai nghiện trước thời gian quy định. Được phép thăm gặp và tiếp xúc với người thân thường xuyên ̣̣(khoảng 1 lần/tuần). Quá trình này sẽ kéo dài tối thiểu 6 tháng.

Trong thời gian này, học viên vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ và giám sát của y bác sĩ tại cơ sở điều trị. Học viên sẽ được khuyến khích bộc lộ cảm xúc của họ khi quay về gia đình và cộng đồng. Việc này nhằm điều chỉnh tâm lý cho học viên. Tất cả những gì mà họ đã học được trong quá trình điều trị sẽ được bộc lộ ở chương trình này.

Học viên sẽ được xét nghiệm nước tiểu thường xuyên, định kỳ (ít nhất 1 lần/tuần) để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nếu học viên tái sử dụng ma túy.

Các học viên tham gia chương trình này còn sẽ có cơ hội trở thành trợ lý cho các y bác sĩ trong quá trình cai nghiện. Đây cơ hội để họ giúp đỡ, và là động lực cho những người nghiện ma túy khác.

điều trị ngoại trú

Đây là chương trình dành cho học viên sau khi hoàn tất quá trình cai nghiện (học viên ngiện ma túy thuộc nhóm OMH) hoặc sau khi tham gia chương trình điều trị bán trú.

            a. Với học viên từng nghiện ma túy nhóm OMH.

Khi tham gia chương trình này, học viên sẽ được học tập, rèn luyện nhằm phục hồi một phần về nhận thức, hành vi, nhân cách và hiểu biết một số kiến thức tối thiểu như kỹ năng từ chối, kỹ năng đối phó khi gặp sự lôi kéo của bạn bè tiếp tục sử dụng heroin, như:

  • Giúp học viên hiểu và có thể đương đầu với áp lực của bạn bè cũphe nhóm xấu muốn họ tái nghiện.
  • Nếu học viênbị vui hay buồn quá độ, giúp họ nhận ra tình trạng bất thường ấy để tìm cách vượt qua.
  • Nếu học viên có những nhận thức sai trái, giúp họ tìm cách xử lý, uốn nắn chúng.
  • Giúp học viên hướng tới một lối sống điều độ, cân bằng, khoa học, lành mạnh.
  • Giúp học viên tự xây dựngcho mình những biện pháp phòng chống sa ngã và tái nghiện.
  • Học viên sinh hoạt bình thường nên có thể tự đi học – tự đi làm tăng thêm thu nhập cho gia đình và gia đình không còn sợ cảnh học viên trộm cắp đồ đạc trong gia đình hoặc vi phạm hình sự.

Học viên được cung cấp các thuốc ngăn ngừa tái nghiện để có thể chủ động sử dụng hàng ngày, dưới sự nhắc nhở, giám sát của cơ sở cai nghiện và người thân. Định kỳ, học viên sẽ được xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có tái nghiện hay không.

            b. Với đối tượng học viên sau khi tham gia chương trình điều trị bán trú.

Do các thuốc ngăn ngừa tái nghiện thường không có tác dụng đối với các học viên từng nghiện các loại ma túy khác (ngoại trừ OMH). Vì vậy, lúc này cơ sở cai nghiện sẽ tập trung vào theo dõi tái nghiện, điều trị, định hướng cho học viên tương tự như với nhóm đối tượng trên nhưng với các biện pháp, mức độ sát sao, thường xuyên hơn.



Cuộc sống trong cơ sở cai nghiện

Một ngày của học viên cai nghiện sẽ bắt đầu vào lúc 6h sáng và kết thúc lúc 22h đêm. Các học viên sẽ khởi động ngày mới bằng bài tập thể dục buổi sáng hoặc chạy bộ.

Picture8

Hình ảnh học viên đang tập thể dục buổi sáng

 

Picture9

Hình ảnh học viên chạy bộ buổi sáng

Sau khi đã tập thể dục và ăn sáng, tùy theo lịch sinh hoạt mà học viên sẽ tiến hành điều trị, lao động hoặc tham gia các lớp học.

Picture10

Hình ảnh các y bác sĩ đang thăm khám và tư vấn cho học viên.

 

lớp học văn hóa cơ sở cai nghiện ma túy
lớp học văn hóa cơ sở cai nghiện ma túy

Hình ảnh học viên tham gia các lớp học văn hóa

Picture12

Hình ảnh học viên tham gia các buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy.

Picture13

Hình ảnh học viên đang tham gia lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ

Picture14

Hình ảnh học viên đang tham gia lớp học nghề đục-tiện

Picture15

Hình ảnh học viên đang tham gia lớp học nghề cơ khí

 

Để học viên có thêm các kỹ năng sống cơ bản, hiểu rõ được giá trị lao động. Đồng thời phong phú thêm đời sống và cải thiện dinh dưỡng. Các cơ sở cai nghiện sẽ sắp xếp để học viên đảm nhiệm các công việc như:

– Dọn vệ sinh phòng ốc và xung quanh cơ sở cai nghiện.

– Nấu ăn.

– Trồng rau.

– Chăn nuôi.

…..

Picture18

Hình ảnh học viên đang cuốc đất, trồng rau

hoạt động chăn nuôi trong cơ sở cai nghiện ma túy
hoạt động chăn nuôi trong cơ sở cai nghiện ma túy

Hình ảnh học viên đang chăn nuôi

Ngoài thời gian học tập và lao động, các cơ sở cai nghiện còn tổ chức cho học viên tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, nghe đài, xem vô tuyến truyền hình, đọc báo, sinh hoạt văn nghệ… Tùy theo điều kiện của cơ sở, định kỳ hàng tháng, hàng quý sẽ tổ chức buổi giao lưu văn nghệ giữa các tổ, đội và tổ chức dón các ngày lễ lớn trong năm cho học viên.

hoạt động ngoại khóa cơ sở cai nghiện ma túy
hoạt động ngoại khóa cơ sở cai nghiện ma túy

Hình ảnh học viên chơi bóng chuyền

giao lưu văn nghệ trong cơ sở cai nghiện ma túy
giao lưu văn nghệ trong cơ sở cai nghiện ma túy

Hình ảnh một buổi giao lưu văn nghệ tại cơ sở cai nghiện

 

Như vậy, đến với cơ sở cai nghiện, học viên sẽ được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ tận tình, chu đáo. Được sống, sinh hoạt, học tập một cách lành mạnh, có ích. Mỗi ngày trôi qua, học viên sẽ học thêm được nhiều điều mới, sẽ tốt hơn ngày hôm qua.



Chi phí điều trị cai nghiện 

Hiện nay, các cơ sở cai nghiện công lập vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và nguồn tài trợ, viện trờ từ các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Tuy nhiên, học viên vẫn sẽ phải khoản nhất định.

Do đó, các học viên đang điều trị tại cơ sở cai nghiện sẽ cần đóng các khoản sau:

            – Tiền ăn.

            – Chi phí về y tế:

                        + Thuốc hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện và các loại thuốc chữa bệnh thông thường.

                        + Chi phí xét nghiệm, kiểm tra định kỳ.

            – Các khoản chi phí sinh hoạt khác:

                        + Tiền điện – nước, vệ sinh

                        + Tiền xây dựng cơ sở vật chất

                        + Phí phục vụ, quản lý

                        + Phí dành cho các hoạt động thể dục thể dao, văn nghệ.

Chi phí cụ thể sẽ do Ủy ban nhân dân tình quyết định. Tổng các chi phí sẽ dao động từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/tháng. Cần lưu ý, bảo hiểm y tế sẽ không chi trả cho khoản này. Bạn có thể đóng định kỳ theo tháng, theo quý, theo năm tùy vào tình hình tài chính của mình.

Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, sẽ nhận được mức hỗ trợ như sau từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

            – Tiền ăn: 40.000 đồng/ngày

            – Chi phí y tế: 50.000 đồng/ tháng và tối đa 650.000 đồng/người trong quá trình điều trị, cắt cơn.

            – Vật dụng sinh hoạt, quần áo: 02 bộ quần áo dài; 02 bộ quần áo lót, khăn mặt, dép nhựa, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng. Định mức là tối đa 400.000 đồng/người.

            – Tiền điện nước, sinh hoạt: 80.000 đồng/người/tháng.

            – Học viên nữ sẽ được hỗ trợ thêm 30.000 đồng/người/tháng.

            Chi phí trên chưa bao gồm chi phí làm hồ sơ (100.000 đồng – 150.000 đồng/bộ), học nghề và học văn hóa.

Chế độ miễn, giảm chi phí đối với người cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện, cụ thể như sau:

– Miễn đóng góp tiền ăn và chi phí chữa bệnh, cai nghiện trong thời gian tham gia cai nghiện tại Cơ sở đối với các trường hợp thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người bị nhiễm HIV/AIDS.

– Giảm 50% mức đóng góp tiền ăn và chi phí chữa bệnh, cai nghiện đối với người thuộc hộ cận nghèo.

            Các cơ sở cai nghiện tự nguyện (tư nhân), chi phí có thể sẽ cao hơn nhiều và không có sự thống nhất. Do đó bạn nên trực tiếp trao đổi với cán bộ tạo đó để nắm được chi phí chính xác.



Hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở 

            Hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện sẽ bao gồm:

  • 01 bản sơ yếu lý lịch (có xác nhận của chính quyền địa phương).
  • 02 bản pho to sổ hộ khẩu và 02 bản chứng minh thư của người xin đi cai nghiện (có công chứng của chính quyền địa phương).
  • Đơn xin cai nghiện tự nguyện (theo mẫu của Cơ sở cai nghiện). Nếu người xin đi cai nghiện là người chưa thành niên, cần có ý kiến xác nhận của cha, mẹ hoặc người giám hộ vào đơn.
  • Đơn trình bày tình trạng nghiện của người nghiện ma túy do người nghiện ma túy tự khai báo hoặc do gia đình hoặc người giám hộ khai báo.


Cách lựa chọn cơ sở cai nghiện ma túy phù hợp nhất

            Để lựa chọn cơ sở cai nghiện là điều không dễ dàng đối với cả học viên và gia đình của họ. Dưới đây là một số tiêu chí chúng tôi khuyến khích bạn xem xét.

Điều kiện kinh tế

Cai nghiện là một quá trình tốn kém cả thời gian và tiền bạc. Nếu bạn không có điều kiện kinh tế tốt, hãy chọn các cơ sở cai nghiện công lập. Thậm chí bạn có thể miễn hoàn toàn chi phí nếu bạn có hoàn cảnh quá khó khăn. Ngược lại, bạn có thể xem xét cả trung tâm cai nghiện tự nguyện (tư nhân) và công lập.

Cơ sở vật chất tiện nghi cơ cở cai nghiện ma túy, phương pháp cai nghiện và nhu cầu của bạn và gia đình

Mỗi cơ sở cai nghiện ma túy có điều kiện, đội ngũ bác sĩ và tình hình khác nhau.

Có cơ sở cơ sở vật chất đi theo hướng hiện đại, sử dụng nhiều thiết bị hỗ trợ; lại có cơ sở đi theo hướng gần gũi, hòa mình với thiên nhiên.

Có cơ sở sử dụng phương pháp tây y tiên tiến; có cơ sở lại ưu tiên sử dụng các thuốc đông y, dưỡng sinh.

Có cơ sở có thế mạnh về điều trị cai nghiện với đối tượng trẻ vị thành niên; có sở sở lại có thể mạnh về điều trị cai, nghiện với các đối tượng nghiện nặng……

Nội quy và các dịch vụ hỗ trợ của cơ sở cai nghiện ma túy

Có cơ sở cai nghiện ma túy có nội quy khá là chặt chẽ, nghiêm khắc; có cơ sở nội quy lại dễ thở và nhẹ nhàng hơn. Các dịch vụ hỗ trợ có thể kể đến như: tư vấn tâm lý; báo cáo kết quả cai nghiện định kỳ cho gia đình; các lớp học nghề…..

Vị trí địa lý

Cơ sở cai nghiện gần hơn sẽ giúp bạn và gia đình thuận tiện hơn trong quá trình đi lại, thăm nuôi, chăm sóc học viên.

Trên đây là một số tiêu chí mà chúng tôi khuyến nghị bạn và gia đình nên xem xét khi lựa chọn cơ sở cai nghiện. Tùy vào điều kiện gia đình, người nghiện ma túy là nghiện nặng hay nhẹ, tính cách của họ và kết quả mong muốn để chọn được cơ sở cai nghiện phù hợp nhất.



Quy định thăm nuôi học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy

Việc thăm nuôi người thân khi họ đang trong quá trình điều trị, cai nghiện là nhu cầu và mong muốn thiết yếu. Sau đây là những thông tin bạn cần phải biết.

khu thăm gặp cơ sở cai nghiện ma túy
khu thăm gặp cơ sở cai nghiện ma túy

Ai được phép thăm nuôi người thân ở cơ sở cại nghiện

            Đối tượng được phép thăm nuôi sẽ bao gồm người thân của học viên:

  • Ông bà nội, ông bà ngoại.
  • Cha, mệ (kể cả cha mẹ nuôi, bố dượng, mẹ kế).
  • Vợ, chồng, con cái (kể cả con nuôi, con dâu, con rể).
  • Cậu, mợ, cô dì, chú bác nội, ngoại.
  • Anh chị em ruột, anh chị em họ.
  • Cháu ruột và cháu họ bên nội, ngoại

            Như vậy, người yêu và bạn bè của học viên sẽ không được phép thăm nuôi học viên.

Khi đến thăm nuôi người thân tại cơ sở cai nghiện bạn cần mang theo giấy tờ gì

            – Đầu tiên là chứng minh nhân dân hoặc cái giấy tờ có ảnh của cơ quan có thẩm quyền.

            – Khai báo quan hệ với học viên, xuất trình sổ hộ khẩu nếu cần. Trong trường hợp  là vợ/chồng thì cần đem theo đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú về tình trạng hôn nhân. Nếu là vợ/chồng của học viên, bạn có thể đề xuất được gặp ở phòng riêng.

Bao lâu thì được phép thăm nuôi học viên

            Tối thiểu là 7 ngày sau khi học viên bắt đầu điều trị tại cơ sở cai nghiện, thời gian cụ thể sẽ do cơ sở cai nghiện quy định. Trung bình, khoảng 01 tuần học viên sẽ được phép gặp người thân 01 lần. Thời gian gian gặp không kéo dài quá 2 tiếng và tối đa là được gặp 03 người thân/lần. Như vậy, bạn và gia đình có thể chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị và sắp xếp thời gian để thăm nuôi học viên.

Khi đi thăm nuôi được mang theo những gì

            Người thân được mang theo các đồ dùng, vật dung như:

– Chăn màn, quần áo và các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu khác để sử dụng tại cơ sở;

– Đồ ăn, đồ uống không có chất cồn, hợp vệ sinh thực phẩm để sử dụng tại phòng thăm gặp;

– tiền, thuốc bổ và thuốc chữa bệnh.

 Lưu ý: Không được mang chất độc, chất nổ, chất dễ cháy, các chất gây nghiện bất hợp pháp và các vật, chất khác bị cấm lưu hành, sử dụng theo quy định tại cơ sở cai nghiện. Trước khi gặp học viên, các cán bộ tại cơ sở cai nghiện sẽ kiểm tra, kê khai đồ đạc bạn mang theo. Vì vậy, hãy chỉ mang những đồ mà cơ sở cai nghiện cho phép và đóng gói sao cho nhỏ gọn, dễ dàng kiểm tra nhất. Sẽ có cán bộ chuyên trách hướng dẫn cho bạn, do đó, nếu có thắc mắc, đừng ngần ngại hãy hỏi họ.



Một số thắc mắc hay gặp về cơ sở cai nghiện

Phụ nữ đang mang thai có áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không

Câu trả lời là: Không. Tại Khoản 2 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:

  1. a) Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
  2. b) Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
  3. c) Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Theo đó, đối với trường hợp người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện thì không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đối với những đối tượng này có thể áp dụng áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia đình hoặc cơ sở y tế.

Trong trường hợp người thân (cha, mẹ, vợ, con,…) bị bệnh nặng có được hoãn thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không

Câu trả lời là Không.  Theo diều 18 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định Người phải chấp hành quyết định nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện;
  2. b) Gia đình có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

Như vậy chỉ khi bạn bị ốm nặng thì bạn mới được tạm hoãn, việc mẹ bạn ốm không phải là căn cứ để xin hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bạn bè, người yêu có được phép thăm học viên đang tiến hành cai nghiện không

Câu trả lời là không. Theo quy định của pháp luật chỉ có người thân của người đang cai nghiện mới được phép thăm gặp học viên. Vấn đề thăm nuôi được kiểm soát rất chặt chẽ dưới sự giám sát của cán bộ phụ trách thăm gặp.

Do đó, bạn bè, người yêu không phải là thân nhân của học viên đang cai nghiện nên đương nhiên cán bộ tại trại cai nghiện sẽ không cho vào thăm gặp học viên. Nhằm đảm bảo cho học viên tránh có cơ hội tiếp xúc với ma túy hoặc các chất cấm sử dụng khác từ bên ngoài.

Học viên có được về chịu tang khi người thân mất hay không

Câu trả lời là có. Căn cứ Khoản 1 Điều 29 Nghị định 221/2013/NĐ-CP có quy định như sau:

Khi có bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con chết thì học viên được phép về để chịu tang. Thời gian về chịu tang tối đa không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường và được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.

Như vậy trong trường hợp bố hoặc mẹ của học viên cai nghiện mất thì học viên được phép về chịu tang tối đa không quá 05 ngày (Lưu ý: 05 ngày này không tính thời gian đi đường).

Người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam áp dụng biện pháp cai nghiện nào

Căn cứ Khoản 2 Điều 37 Luật Phòng, chống ma túy 2021 (Có hiệu lực từ 01/01/2022) quy định về nội dung trên như sau:

Người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam có trách nhiệm đăng ký thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật và phải chi trả toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến cai nghiện. Trường hợp không thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện thì người đó sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Kết luận

Chúng tôi, kimhung.vn, mong rằng, sau bài viết này, bạn đã có được những hiểu biết nhất định về cơ sở cai nghiện. Chúng tôi, kimhung.vn, mong rằng, sau bài viết này, bạn đã có được những hiểu biết nhất định về cơ sở cai nghiện ma túy. Nghiện ma túy là một căn bệnh mãn tính và rất dễ tái nghiện. Việc điều trị, cai nghiện ma túy cần phải kiên trì, có kế hoạch cụ thể, thực hiện tuần tự từng bước, kịp thời nắm bắt, theo sát tâm tư, tình cảm của người bệnh để có sự điều chỉnh phù hợp. Phải không ngừng thấu hiểu, động viên, khích lệ người bệnh. Cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài, gian nan, là quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ của người bệnh, gia đình và đội ngũ y bác sĩ. Vì vậy, để đảm bảo xác suất cai nghiện thành công, cũng như được tiếp xúc với các biện pháp điều trị tốt nhất, môi trường tối ưu nhất. Người người ma túy nên được đưa đến các cơ sở cai nghiện trong thời gian sớm nhất để được hỗ trợ. Việc lựa chọn được một cơ sở cai nghiện phù hợp, không chỉ giúp bạn từ bỏ được ma túy mà còn giúp bạn được học nghề, được sống lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần,và  đặt nền móng vững chắc xây dựng một tương lai tốt đẹp sau này.

 

error: Alert: Content selection is disabled!!