tội danh mua bán trái phép ma túy

BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015
TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

Nước ta hiện nay, tình hình mua bán trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi và phức tạp. Ma túy mang lại nguồn lợi nhuận lớn nên người phạm tội không từ bất cứ thủ đoạn nào để mua bán trái phép chất ma túy. Ma túy gây tác hại cho cơ thể và sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá của con người, phá hoại hạnh phúc gia đình. Ma túy là tác nhân chủ yếu thúc đẩy căn bệnh thế kỷ HIV phát triển, đe dọa lớn đối với sức khỏe và sự tồn tại của con người.

Tội mua bán ma túy trái phép chiếm tỷ lệ cao trong tổng số tội phạm về ma túy được xét xử trên phạm vi cả nước, thu hút được sự quan tâm của dư luận , quần chúng cả nước

Mục đích của bài viết này nhằm làm sáng tỏ những quy định mới của BLHS năm 2015 về tội mua bán trái phép chất ma túy đặc biệt là những điểm mới so với quy định của BLHS năm 1999.

Đối tượng bài viết: quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội mua bán trái phép chất ma túy

Danh Mục Chính

VIDEO HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG QUE THỬ MA TÚY

Định nghĩa và phân loại chất ma túy

Định nghĩa chất ma túy

Cho đến nay trên thế giới chưa có khái niệm thống nhất về ma túy, ma túy được định nghĩa theo các cách thức khác nhau tùy theo góc độ tiếp cận, nghiên cứu.

↣  Về phương diện khoa học:

Trên phương diện quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu về ma túy của Liên Hợp Quốc cho rằng “Ma túy là các chất hóa học có nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức và trí tuệ, làm con người bị lệ thuộc vào chúng, gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng”

Tổ chức y tế thế giới WHO cũng định nghĩa: “Ma tuý là bất cứ chất nào khi đưa vào cơ thể con người có tác dụng làm thay đổi một số chức năng của cơ thể và làm cho con người lệ thuộc vào nó”4 Tuy nhiên, thực tế có nhiều chất khi đưa vào cơ thể sẽ làm thay đổi chức năng của cơ thể chứ không chỉ riêng chất ma túy.

Theo từ điển tiếng Việt thì: “Ma túy là tên gọi chung cho tất cả các chất có tác dụng gây trạng thái ngây ngất, đờ đẫn, dùng quen thành nghiện5.

Tuy nhiên hiện nay có nhiều chất ma túy hiện không gây trạng thái ngây ngất, đỡ đẫn mà gây ra trạng thái thần kinh bị rối loạn, hoang tưởng, ảo giác, tính cách trở nên hung hãn, độc ác….

↣  Về phương diện pháp lý:

Theo công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961, được sửa đổi theo nghị định thư năm 1972, khái niệm về chất ma túy dựa vào danh sách các chất liệt kê trong bảng kèm theo phụ lục: “Ma túy nghĩa là bất kỳ chất liệu nào trong Bảng I và Bảng II, dưới dạng tự nhiên hay tổng hợp”7. Đây là các bảng được đánh số tương ứng các chất ma túy hay các chế phẩm căn cứ vào mức độ gây nghiện của các chất này, yêu cầu sử dụng trong y khoa và mức độ kiểm soát.

Công ước về chất hướng thần năm 1971 có quy định“Chất hướng thần nghĩa là bất kỳ chất nào, tự nhiên hay nhân tạo hoặc bất kỳ nguyên liệu tự nhiên nào trong các Bảng I, II,III hay IV”8

Theo pháp luật Việt Nam: Luật phòng chống ma túy năm 2000 (sửa đổi năm 2008) đã đưa ra định nghĩa về chất ma túy và những khái niệm liên quan như sau:

“Chất ma túy là các chất gây nghiện và các chất hướng thần được quy định trong danh mục do chính phủ ban hành”9

Và “Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh dễ gây nghiện đối với người sử dụng. Chất hướng thần là các chất kích thích ức chế thần kinh, hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng”.10

Từ những khái niệm chất ma túy trên có thể rút ra đặc điểm của chất ma túy:

  • Chất ma túy là các chất gây nghiện và các chất hướng thần dẫn đến tình trạng người sử dụng bị lệ thuộc vào nó.
  • Về hình thức, chất ma túy phải được quy định trong danh mục do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Hiện nay, do thực tiễn tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm đã xuất hiện nhiều loại ma túy mới nên số lượng các chất ma túy trong các danh mục không ngừng được thay đổi và bổ sung.

 

kẹo ke | thuốc cai nghiện ma túy tại nhà | que thử ma túy đá

Phân loại chất ma túy

Hiện nay có rất nhiều cách phân loại các chất ma túy khác nhau:

  • Thứ nhất, phân loại các chất ma túy theo mức độ tác động đến người sử dụng đó là mức độ gây nghiện và khả năng gây nghiện: Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 có 116 chất ma túy chia thành 4 bảng:
    • Bảng I gồm là những chất ma túy có nguy cơ gây nghiện cao và chịu mọi sự kiểm soát nghiêm ngặt nhất gồm cây Cần sa, Cô ca….
    • Bảng II gồm những chất ma túy là những chất ma túy có nguy cơ gây nghiện ít hơn và được sử dụng trong y khoa gồm các nhóm Codein, Ethylmorphin ….
    • Bảng III là những chất ma túy dạng hỗn hợp không có hoặc nguy cơ gây nghiện không đáng kể có nồng độ ma túy thấp nên được miễn trừ một số biện pháp kiểm soát như các chế phẩm: Acetyldihytrocodein, Codein, Cihydrocodein…
    • Bảng IV gồm 6 chất ma túy là những chất ma túy có tính nguy hiểm và hạn chế sử dụng trong y khoa gồm Heroin, Etôrophin ….

Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước thống nhất về các chất ma túy từ năm 1997. Theo khuyến nghị của Công ước, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của Công ước để đưa vào pháp luật quốc gia. Trên cơ sở cách phân loại các chất ma túy theo Công ước năm 1961, các nhà làm luật đã đưa ra cách phân loại các chất ma túy theo 4 danh mục chất ma túy và tiền chất do chính phủ ban hành. Cho đến thời điểm năm 2018 có tất cả 181 chất ma túy, 69 chất hướng thần và 43 tiền chất.

♦ Danh mục I gồm 45 chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội: Acetorphine, Alphacetylmethadol, Alpha-methylfentanyl …Danh mục này bao gồm các chất ma túy trong bảng IV của Công ước năm 1961 và Danh mục I của Công ước năm 1971và muối của chúng.

♦ Danh mục II gồm 136 chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền: Methadone, Morphine, Tilidine…Danh mục này bao gồm các chất ma túy trong bảng I và II của Công ước năm 1961, các chất hướng thần trong Danh mục II của Công ước năm 1971 và muối của chúng.

♦ Danh mục III gồm 69 chất hướng thần được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền: Allobarbital, Alprazolam, Aminorex….. Danh mục này bao gồm các chất hướng thần trong Danh mục III, IV của Công ước 1971 và muối của chúng.

♦ Danh mục IV có 43 tiền chất: Acetic acid, Acetic anhydride, Benzaldehyde….11

 

Thứ hai, căn cứ vào nguồn gốc các chất ma túy thì ma túy được chia thành ma túy có nguồn gốc tự nhiên và ma túy có nguồn gốc nhân tạo. Đây là một trong những hình thức phân loại thông thường. 

♣ Ma túy có nguồn gốc tự nhiên: Là những chất ma túy tồn tại có sẵn trong thiên nhiên được con người trồng và thu hoạch. Điển hình là: 

➻ Cây thuốc phiện (cây hoa anh túc): Loại cây này được trồng nhiều ở các tỉnh phía bắc Việt Nam và một số nước ở Châu á. Đây là nguyên liệu để chiết xuất ra Morphin, Heroine có tác dụng làm giảm đau khi cơ thể bị chấn thương hay khi phẫu thuật.

➻ Cây cần sa: Loại cây này thường được trồng ở Campuchia và một số tỉnh biên giới tây nam nước ta. Cần sa thường được chế biến dưới ba dạng sau: Hạt, lá, hoa nghiền nát thái nhỏ, phơi khô cuộn thành điếu hút hoặc pha như chè để uống; chưng chất nhựa, lá, hoa cần sa phơi khô đóng thành từng bánh; Cần sa được tinh chế thành tinh dầu lỏng.

➻ Cây côca: Là loại cây được trồng nhiều ở các nước Nam Phi, hoạt chất chính của nó là Côcain và được tinh chế thành bột.

➻ Cây khát (Còn gọi là cây Catha edulis): cây khát có chứa thành phần Cathinone và Cathine là 2 chất dùng để điều chế ma túy tổng hợp gây kích thích thần kinh cực mạnh. Sử dụng cây khát rất đơn giản, có thể nhai, nuốt, gây hưng phấn và làm người sử dụng nói nhiều, gây mất tự chủ bản thân, hoang tưởng, bạo lực, muốn tự tử…

♣ Ma túy có nguồn gốc nhân tạo là loại ma túy phải qua điều chế, chế xuất, tổng hợp. Ma túy có nguồn gốc nhân tạo điển hình như chất giảm đau Dolargan, Heroine, Amphetamine… Các chất ma túy làm kích thích hệ thần kinh như Amphetamine, Methaphetamin, Ecstasy, Doping…Các chất gây ức chế thần kinh như Meduxen, Mecloqualon, Methaqualon….Hiện nay ở nước ta đã xuất hiện nhiều chất ma túy mới có nguồn gốc nhân tạo như: MDMA, XLR 11 ..

 

Thứ ba, phân loại các chất ma túy theo hình thái tồn tại: 

⇨ Ma túy ở hình thái tự nhiên như lá cây côca, lá khát, lá rễ, thân cành, hoa quả của cây cần sa..

⇨ Ma túy tồn tại ở dạng thể rắn 

⇨ Ma túy tồn tại ở thể lỏng 


Thế nào là tội mua bán trái phép chất ma túy

Theo giáo trình Luật Hình sự Việt Nam của trường Đại học Luật Hà Nội thì: “Hành vi mua bán trái phép chất ma túy là hành vi trao đổi trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào”.12

Trong lịch sử lập pháp Việt Nam chưa có Bộ luật Hình sự nào quy định về khái niệm thế nào là mua bán trái phép chất ma túy. BLHS năm 2015 không quy định cụ thể về hành vi mua bán trái phép chất ma túy mà hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn trong Thông tư số 08/VBHN-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2015 tiểu mục 3.3 phần II như sau:

các hành vi mua bán trái phép chất ma túy

⑴ Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;

⑵ Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

⑶ Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

⑷ Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);

⑸  Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;

⑹ Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

⑺ Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.

Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy đđều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Như vậy theo hướng dẫn trên người thực hiện một hoặc nhiều dạng hành vi trong 7 hành vi trên và những người đồng phạm đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Dấu hiệu định tội mua bán trái phép chất ma túy

Dấu hiệu định tội của tội mua bán trái phép chất ma túy có ý nghĩa rất lớn trong việc làm sáng tỏ , phân biệt tội phạm mua bán trái phép chất ma túy với các loại tội phạm khác. Về mặt cấu trúc, tội mua bán trái phép chất ma túy bao gồm bốn yếu tố: Khách thể của tội phạm, chủ thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm.

Khách thể của tội mua bán trái phép chất ma túy

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.

Khách thể của tội mua bán trái phép chất ma túy chế độ độc quyền và thống nhất quản lý của nhà nước đối với các chất ma túy. Nhà nước phải độc quyền quản lý các chất ma túy vì việc vi phạm chế độ quản lí ma túy của nhà nước sẽ dẫn đến việc đe dọa trật tự an toàn công cộng, suy giảm sức khỏe con người…

Mặc dù ma túy gây nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe người sử dụng nhưng ngược lại ma túy có nghĩa rất lớn trong cuộc sống, y học, nghiên cứu khoa học. Vì vây, nhà nước không thể tiêu hủy các chất ma túy mà phải quản lý các chất ma túy. Trong quá trình điều tra các vụ án về ma túy, các cơ quan có thẩm quyền thu giữ một lượng lớn các chất ma túy nhưng do các chất ma túy này không có kiểm soát về chất lượng nên sau khi xét xử vụ án phải tịch thu tiêu hủy mà không thể tái sử dụng.

Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến người sử dụng lạm dụng các chất ma túy dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc vào nó. Ví dụ: Người sử dụng các chất ma túy vì các lý do như chữa bệnh, giảm đau nhưng qua quá trình sử dụng lâu dài và không đúng liều lượng đã dẫn đến nghiện và lạm dụng các chất ma túy. Việc lạm dụng các chất ma túy vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe con vì vậy Nhà nước quản lý các chất ma túy để nhằm đảm bảo cho việc sử dụng các chất ma túy đúng quy định và liều lượng. Việc sử dụng ma túy trong nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm, lĩnh vực y tế phải tuân theo những quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Một số chất ma túy, dạng ma túy được các nhà làm luật đặc biệt chú ý trong phân hóa trách nhiệm hình sự như: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca, Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11, các cây có chứa chất ma túy như lá cây Côca, lá khát, lá, rễ, thân,cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc một bộ phận của cây khác có chứa ma túy, các chất ma túy khác ở thể rắn, các chất ma túy khác ở thể lỏng. Khối lượng các chất ma túy là căn cứ để phân hóa trách nhiệm hình sự.

Chủ thể của tội mua bán trái phép chất ma túy

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể.Như vậy chủ thể của tội mua bán trái phép chất ma túy phải thỏa mãn đầy đủ hai yếu tố sau:

Thứ nhất, năng lực trách nhiệm hình sự. Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy. Chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Điều 21 BLHS năm 2015 quy định như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Theo quy định tại điều luật 21 BLHS năm 2015 tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được xác định qua 2 dấu hiệu:

✓ Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần.

✓ Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người không có năng lực nhận thức đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội đã thực hiện, là người không có năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Và như vậy họ cũng không có năng lực kiềm chế thực hiện hành vi đó. Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự còn có thể là người tuy có năng lực nhận thức, tuy có khả năng đánh giá được tính chất xã hội của hành vi của mình nhưng do bệnh l không thể kiềm chế được việc thực hiện hành vi đó.

Chỉ được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi đồng thời cả hai dấu hiệu này đều thỏa mãn

Thứ hai, tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

✓ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 vì khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 là tội phạm nghiêm trọng.  

✓ Người từ 16 tuổi luôn phải chịu trách nhiệm về tội mua bán trái ph p chất ma túy.

Mặt khách quan của tội mua bán trái phép chất ma túy

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.

Mặt chủ quan tội mua bán trái phép chất ma túy

Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, mục đích và động cơ, trong đó lỗi được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm.Về lỗi, người thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội phải nhận thức được rõ đối tượng mua bán là chất ma túy.

Trường hợp người phạm tội biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi…thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về mua bán trái phép chất ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng gắn với các dấu hiệu đặc trưng của loại tội phạm này người phạm tội phải nhận thức được dạng hành vi của mình là mua để nhằm bán, xin chất ma túy để bán…

Người phạm tội nhận thức được tính chất trái pháp luật đó là các chất ma túy thuộc danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành. Các quy phạm pháp luật buộc con người phải tuân theo do vậy người thực hiện hành vi phạm tội buộc phải biết hành vi phạm tội của mình là sai.


Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng 

Có tổ chức

Phạm tội có tổ chức trong tội mua bán trái phép chất ma tuý là giữa những người đồng phạm có sự bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch để thực hiện hành vi mua bán trái phép ma tuý. Tình tiết phạm tội có tổ chức trong tội mua bán trái phép chất ma túy là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng. Mua bán trái phép chất ma tuý có tổ chức là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.

Phạm tội 02 lần trở lên

Phạm tội 02 lần trở lên được hiểu là người phạm tội có 02 lần bán trái phép chất ma túy trở lên.

Đối với 02 người trở lên

Phạm tội đối với 02 người trở lên được hiểu là trong một lần phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn

Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có quy định về điều kiện thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng hơn. Nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn thì họ khó có thể thực hiện việc mua bán trái phép chất ma tuý.

Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức được hiểu là người phạm tội đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc hoặc công tác để thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để thực hiện hành vi phạm tội. Thông thường người phạm tội thường thông qua các hợp đồng mua bán để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Trong một số trường hợp người phạm tội không có chức vụ quyền hạn mà chỉ lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để mua bán trái phép chất ma túy.

Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi

Vì nguồn lợi nhuận khổng lồ mà ma túy mang lại nên hiện nay xảy ra nhiều trường hợp người phạm tội lợi dụng trẻ em để thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy nhằm qua mặt các cơ quan điều tra.

Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội vào việc phạm tội là trường hợp người phạm tội đã dụ dỗ, xúi dục, mua chuộc, hăm doạ, khống chế, lôi kéo…người dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi: mua, bán, xin, tàng trữ…. nhằm mục đích bán trái ph p chất ma túy.

Nếu người phạm tội xúi giục người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi mua bán trái chất ma tu mà người bị xúi gục là người dưới 16 tuổi chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội vẫn bị coi là sử dụng trẻ em vào việc phạm tội.

Bán ma tuý cho người dưới 16 tuổi là dùng ma tu mà mình có dưới bất kỳ hình thức nào để bán cho người dưới 16 tuổi lấy tiền hoặc lấy tài sản.

Việc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi cần phân biệt: Nếu người phạm tội bán cho người đủ 14 đến dưới 16 tuổi mà những người này bị truy cứu TNHS với vai trò đồng phạm về tội mua bán trái phép chất ma túy thì người phạm tội không bị coi là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt theo khoản 2 điều 251. Nếu người dưới 16 không bị coi là đồng phạm, họ mua để sử dụng hoặc bị truy tố về tội phạm khác thì người bán ma túy phải chịu TNHS về tình tiết “bán ma túy” cho người dưới 16 tuổi.

Qua biên giới

Mua bán trái phép ma tuý qua biên giới là đưa ma tu từ nước này qua nước khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Tái phạm nguy hiểm

Người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy bị áp dụng tình tiết tăng nặng trong hai trường hợp sau đây:

 

  • Người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mua bán trái phép chất ma tuy quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 251 BLHS năm 2015.
  • Người phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý, bị kết án tiếp chưa được xóa án tích lại phạm tội mua bán trái phép chất ma túy.

Các dấu hiệu định khung tăng nặng liên quan đến khối lượng các chất ma túy ở thể rắn và thể tích ma túy ở thể lỏng

Các khung hình phạt quy định mức hình phạt tăng dần tương ứng với khối lượng và thể tích của các chất ma túy. Tính nguy hiểm của hành vi phạm tội phụ thuộc vào vấn đề định lượng ma túy mà cụ thể là khối lượng ma túy ở thể rắn và thể tích ma túy ở thể lỏng. Vì vậy khi tiến hành định khung hình phạt cần xác định được các chất ma túy có khối lượng và thể tích bao nhiêu.

  • Khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 quy định khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.
  • Khoản 3 Điều 251 BLHS năm 2015 quy định khung hình phạt từ 15 đến 20 năm tù .
  • Khoản 4 Điều 251 BLHS năm 2015 quy định khung hình phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Sau đây, chúng tôi xin được liệt kê phân tích khối lượng và thể tích từng nhóm các chất ma túy quy định là tình tiết định khung tăng nặng:

  • Nhóm thứ nhất: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca.

Khung hình phạt áp dụng đối với Khoản 2 Điều 251 là trường hợp: “Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam”. Khung hình phạt áp dụng đối với khoản 3 Điều 251 trong trường hợp: “Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01kilôgam đến dưới 05 kilôgam”. Khung hình phạt áp dụng đối với khoản 4 Điều 251 trong trường hợp: “Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 05 kilôgam trở lên”.

  • Nhóm thứ hai: Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA, XLR-11.

Khung hình phạt áp dụng cho khoản 2 trong trường hợp: “Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam”; Khung hình phạt áp dụng cho khoản 3 trong trường hợp: “Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam”; Khung hình phạt áp dụng cho khoản 4 trong trường hợp: “Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 100 gam trở lên”

  • Nhóm thứ ba: Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.

Khung hình phạt áp dụng cho khoản 2 trong trường hợp: “Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam”; Khung hình phạt áp dụng cho khoản 3 trong trường hợp: “Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam”; Khung hình phạt áp dụng cho khoản 4 trong trường hợp: “Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 75 kilôgam trở lên”.

Lá “khát” (tên khoa học Catha edulis) là loại cây bụi được trồng, sử dụng và buôn bán ở nhiều nước châu Phi, vùng Nam Ả Rập. Lá khát có chứa hợp chất cathinone và cathine gây kích thích giống ma túy tổng hợp. Khi dùng lá khát tươi thì thành phần cathinone đạt mức cao nhất vì vậy sử dụng loại thảo dược này sẽ tạo ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, có các hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực, muốn tự tử. Mức độ nguy hiểm của lá “khát” lớn gấp nhiều lần ma túy “đá” và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Loại thảo dược này có thể tinh chế thành chất ma túy Cathinone. Từ chất này có thể tổng hợp với chất Amphetamine thành loại ma túy có dạng như tinh thể muối, màu trắng hay hồng nhạt.

  • Nhóm thứ tư: Quả thuốc phiện khô và quả thuốc phiện tươi. Morphin tồn tại trong nhựa quả thuốc phiện. Trong quả thuốc phiện tươi hàm lượng Morphine cao hơn so với quả thuốc phiên khô vì quả khô thường thu hoạch sau khi đã rạch lấy nhựa. Vì vậy, nhà làm luật quy định khác nhau về khối lượng quả thuốc phiện khô và tươi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Đối với quả thuốc phiện khô hàm lượng Morphin thấp hơn quả thuốc phiện tươi: “quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2; “quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3; “quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4.

➧ Đối với quả thuốc phiện tươi hàm lượng Morphin cao nên khối lượng tối thiểu quả thuốc phiện tươi bị truy tố theo điểm m khoản 2 so với quả thuốc phiên khô tại điểm l khoản 2 chỉ bằng 1/5. Nhà làm luật quy định: “quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam” thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, “quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, “quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 150 kilôgam trở lên” thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4.

Nhóm thứ năm: Các chất ma túy ở thể rắn, lỏng. 

Trường hợp mua bán trái phép chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, mua bán trái phép chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, mua bán trái phép trái phép chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4.

Trường hợp mua bán trái phép chất ma túy các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2; mua bán trái phép chất ma túy các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3; mua bán trái phép chất ma túy các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4.


Hình phạt đối với tội mua bán trái phép chất ma túy

Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

Hình phạt chính

là các hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Mức phạt tù có thời hạn thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 20 năm tù. Phạm tội mua bán trái phép chất ma túy không có các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm thuộc loại tội phạm nghiêm trọng. 

Hình phạt tăng dần lên tương đương với khối lượng và thể tích của các chất ma túy. 

Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội mua bán trái phép chất ma túy là tử hình thể hiện sự trừng trị nghiêm khắc của nhà nước đối với loại tội phạm này. Theo quy định tại Điều 40 BLHS 2015 về hình phạt tử hình thì không thi hành án tử hình đối với “Người đủ 75 tuổi trở lên”. Như vậy đối với người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy từ 75 tuổi trở lên sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình. Đây là một quy định mới của BLHS năm 2015 thể hiện tính nhân đạo của Đảng và nhà nước ta.

Hình phạt bổ sung 

Ngoài hình phạt chính người phạm mua bán trái phép chất ma túy còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại khoản 5 điều 251 BLHS năm 2015. 

“Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Đối với bị cáo mua bán trái phép chất ma túy trong một thời gian dài và thu được một khoản lợi nhuận lớn, có nhiều tài sản thì có thể áp dụng hình phạt bổ sung. Trường hợp bị cáo là người nghiện ma túy, hoàn cảnh khó khăn…bị cáo mua bán ma túy để có tiền sử dụng cho bản thân thì không áp dụng hình phạt bổ sung.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *